Tạo đột phá trong lập quy hoạch

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 06:09 - Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, dự kiến trong năm nay, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng và 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022 và khung định hướng quy hoạch quốc gia dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10 tới.

Ngoài ra, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030 sau khi được phê duyệt sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Dù được đánh giá là đã đạt những kết quả nhất định, nhiều vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch đã được tháo gỡ, tuy nhiên tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chưa đạt yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ. Mặt khác, việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh, tiếp cận tổng hợp và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

Trong phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế, chưa thúc đẩy tính liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý, phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu. Ngoài ra, việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch do các quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình lập quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Cần kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của nước ta, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Ý kiến khác thì cho rằng, khi xây dựng quy hoạch ngành, các bộ, ngành phải trao đổi kỹ với các địa phương và ngược lại, quy hoạch địa phương cũng phải trao đổi với các bộ, ngành. Các địa phương cần lựa chọn các chuyên gia tư vấn có trình độ, tầm nhìn, tránh cục bộ, tránh lợi ích nhóm, manh mún…

Đặc biệt, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Đồng thời phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương. Nếu không sẽ rất khó phát triển bền vững cũng như chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu...

Triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch là nhiệm vụ lớn, quan trọng. Cùng với đó, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là cơ hội để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt. Có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển  kinh tế - xã hội. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không cầu toàn, không nóng vội...

Hân Anh