Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Tạo động lực nâng cánh kinh tế địa phương

- Thứ Tư, 21/10/2020, 05:00 - Chia sẻ
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn sáng 20.10 tại Lễ bàn giao 2.589ha đất khởi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Vượt xa con số cam kết

Phát biểu tại lễ bàn giao, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, là Cảng HKQT được kỳ vọng sẽ tạo động lực nâng cánh kinh tế địa phương. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Đồng Nai đã triển khai dự án và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, tỉnh đã bàn giao hơn 2.589ha cho Bộ Giao thông Vận tải, vượt xa con số đã cam kết và từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục kiểm đếm, áp giá, lập phương án phê duyệt phần diện tích đất còn lại trong tổng số 5.000ha làm sân bay theo như chỉ đạo của Quốc hội là giải phóng mặt bằng một lần cho toàn bộ quy mô dự án làm sân bay.

Lễ ký kết bàn giao 2.589ha giữa tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông - Vận tải.
Ảnh: Nguyễn Thúy

Các giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án cơ bản hoàn thành việc kiểm đếm và sẽ áp giá lập phương án phê duyệt trong năm 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội là giải phóng mặt bằng một lần cho toàn bộ quy mô dự án 5.000ha. Dự án tái định cư cũng đang gấp rút hoàn thiện để người dân có thể nhận bàn giao mặt bằng trong tháng 10; công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm đang triển khai đồng bộ.

Trong số diện tích này, có 1.810ha là khu vực ưu tiên mà Đồng Nai đã cam kết bàn giao đúng hạn để khởi công dự án sân bay, phần bàn giao thêm là 779,15ha. Đặc biệt, đối với hạ tầng khu tái định cư, tỉnh đang gấp rút hoàn thành để trong tháng 10.2020, người dân vào nhận đất, xây nhà. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tái lập hạ tầng ngoài ranh giới của sân bay cũng đang được tỉnh làm đồng bộ và thực hiện đúng tiến độ.

Bên cạnh việc định hướng không gian phát triển, trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển; chuẩn bị nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được đưa vào khai thác. Vùng Long Thành, Nhơn Trạch được xác định là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ bất động sản.

Đặc biệt, Đồng Nai đang tập trung nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng việc quy hoạch các tổ hợp công - nông nghiệp - dịch vụ (công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp). Cùng với đó, địa phương sẽ điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ, du lịch... nhằm đón đầu sự phát triển khi sân bay Long Thành khởi động.

"Quy hoạch phải đi trước một bước, bảo đảm chất lượng định hướng và không gian phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững và chuyển đổi mô hình tăng trưởng” - Chủ tịch Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hướng đến trở thành vùng kinh tế động lực 

Đánh giá việc triển khai xây dựng dự án quan trọng cấp quốc gia này sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chưa đến 2 năm nhưng đến nay phần lớn diện tích mặt bằng cho thi công giai đoạn 1 của dự án sân bay đã được tỉnh Đồng Nai bàn giao đúng thời hạn. Điều này mang ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai dự án. Bởi vì không có mặt bằng sạch thì dự án không thể khởi động được.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, với công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm trên diện tích đất khoảng 5.000ha, chủ đầu tư dự kiến khởi công hạng mục đầu tiên của sân bay vào đầu năm 2021. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa khoảng 1,2 triệu tấn hàng/năm và chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 109.112 tỷ đồng (tương đương 4,66 tỷ USD). Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, trong đó có Đồng Nai.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, quy hoạch vùng huyện Long Thành cũng dự trù phương án mở rộng, đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông phục vụ sân bay Long Thành. Tầm nhìn của quy hoạch vùng huyện Long Thành là hướng đến xây dựng một vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng đô thị trung tâm và là cực phía Đông của TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đến năm 2030, Long Thành cơ bản là huyện công nghiệp phát triển, đến năm 2040 sẽ trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Nguyễn Thuý - Lan Chi