Tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh

- Thứ Ba, 19/10/2021, 06:30 - Chia sẻ
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại tọa đàm “Ngành Ngân hàng thành phố chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19” do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức vừa qua.

Mong có thêm chính sách hỗ trợ

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, tính từ ngày 23.1.2020 đến 31.8.2021, toàn ngành ngân hàng thành phố đã thực hiện cơ cấu 12.368 tỷ đồng dư nợ đối với 6.344 khách hàng; giảm 20,11 tỷ đồng tiền lãi cho 772 khách hàng; tổng mức cho vay mới toàn thành phố đạt 271.724 tỷ đồng với gần 7.000 khách hàng.

Theo đại diện các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại Đà Nẵng là nguồn vốn, lãi ngân hàng và các khoản vay đến hạn. Các doanh nghiệp mong muốn UBND thành phố, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Trung ương giảm lãi suất, tái cơ cấu các khoản vay dài hơn quy định hiện tại. Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp Đà Nẵng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch vì ngành này đã bị ảnh hưởng rất nhiều khi dịch Covid-19 kéo dài 2 năm liền.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề nghị, không chuyển nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp chậm đóng tiền trong thời gian Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu, ở đó”, gia hạn thêm thời gian cơ cấu nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét tăng lên không quá 24 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn, thay vì không quá 12 tháng theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN; đồng thời có thêm các gói vay có lãi suất ưu đãi hoặc tái cấp vốn với lãi suất thấp cho ngân hàng thương mại để doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp...

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Gia Phú Nguyễn Thị Tài cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn miễn, giảm lãi vay theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7.9.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHHH ngày 13.3.2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng các ngân hàng thương mại chưa được hướng dẫn cụ thể, nên doanh nghiệp không biết điều kiện để tiếp cận như thế nào. Vì thế, đề xuất Ngân hàng Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách gia hạn thời gian trả lãi, thời gian đáo hạn của các món vay. Bên cạnh đó cần có các gói vay không thế chấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp, có mức tín dụng tốt trong lịch sử để bổ sung vốn lưu động...

Doanh nghiệp mong nhận được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh
Ảnh: Minh An

Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn

Trao đổi với các doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý linh hoạt, có phương án trao đổi với doanh nghiệp để không chuyển nhóm nợ xấu. Cùng với đó, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khôi phục kinh tế sau dịch. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại nên giúp đỡ doanh nghiệp “hết mình”; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về giảm lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Thực tế, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành phố tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép, để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền. Đồng thời, thành phố đã nghiên cứu, đề xuất các cơ quan bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép. Riêng đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngoài các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương, tại thành phố cũng có những chính sách riêng và đang tiếp tục điều chỉnh để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính sẵn có.

Chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, trước đây thành phố có Nghị quyết 149 do HĐND thành phố ban hành hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Nhưng thời gian qua các doanh nghiệp rất ít tiếp cận. UBND thành phố đang nghiên cứu và sẽ sớm trình HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết 149 vào kỳ họp đầu tháng 12 để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, trước đây Quỹ đầu tư phát triển thành phố chỉ hỗ trợ cho các dự án thuộc danh mục kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên vừa qua Chính phủ cho phép và thành phố thống nhất triển khai vốn vay từ quỹ này đối với tất cả lĩnh vực.

Bài và ảnh: MINH AN