Tạo chuyển biến thực chất sau chất vấn

- Thứ Bảy, 13/11/2021, 05:59 - Chia sẻ
Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH cho rằng, phiên chất vấn đã rất thành công, nhiều cam kết cụ thể, mạnh mẽ đã được đưa ra. Các đại biểu cũng bày tỏ ấn tượng với cách thức điều hành của Chủ tịch Quốc hội, không chỉ linh hoạt, sắc sảo mà còn chủ động gợi mở, chỉ rõ cho Bộ trưởng "gốc tích" vấn đề ở đâu và dẵn dắt các đại biểu chất vấn đúng, trúng, theo đuổi đến cùng vấn đề. Sau phiên chất vấn, các đại biểu mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tạo chuyển biến thực chất trong các lĩnh vực chất vấn.
Ảnh: Thanh Chi
Ảnh: Thanh Chi

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai): Thời gian rất ngắn nhưng chất lượng và hiệu quả

Trong 2,5 ngày, các ĐBQH đã chất vấn thành viên Chính phủ về rất nhiều vấn đề, phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống dân sinh, được cử tri và Nhân dân quan tâm, đặc biệt là các chủ đề về phòng, chống Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Các bộ trưởng nhìn chung đều nắm vững lĩnh vực phụ trách, trả lời được các vấn đề ĐBQH đặt ra, cơ bản làm hài lòng các ĐBQH. Sau phiên chất vấn, vấn đề tôi quan tâm là, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp như thế nào để tạo chuyển biến thực chất trong các lĩnh vực chất vấn.

Thông qua phiên chất vấn, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và “hiến kế” nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã làm rõ trách nhiệm và đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục. Có thể thấy, các giải pháp chia thành hai nhóm. Trong đó, nhóm thứ nhất liên quan đến thể chế, chính sách. Một số giải pháp trong nhóm này cũng đã nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhằm sửa đổi luật, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Nhóm thứ hai liên quan đến các biện pháp cụ thể, trong đó, một số giải pháp đã được chỉ ra nhưng một số giải pháp cần tiếp tục được nghiên cứu vì có những vấn đề phức tạp, liên ngành ví dụ như vấn đề về liên kết vùng, phát huy lợi thế vùng…

Tôi rất ấn tượng với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Là người am hiểu vừa chuyên sâu, vừa tổng hợp về các vấn đề kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội nắm rất chắc quá trình vận hành kinh tế, gốc gác của các chính sách, quy định hiện nay cũng như các vấn đề về điều hành, quản lý các ngành, lĩnh vực, địa phương. Với kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú trong chỉ đạo, điều hành nên Chủ tịch Quốc hội đã điều hành các phiên chất vấn rất linh hoạt, sắc bén, thậm chí còn gợi mở, chỉ rõ cho Bộ trưởng "gốc tích" vấn đề ở đâu; dẫn dắt các đại biểu Quốc hội chất vấn đúng, trúng và theo đuổi đến cùng vấn đề, dù trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Sôi nổi, quyết liệt, nêu cao tinh thần xây dựng

Quốc hội Khóa XV vừa thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên, với các nhóm vấn đề chất vấn rất đúng và trúng những điều cử tri, dư luận xã hội cả nước đang quan tâm. Bản thân các cơ quan của Chính phủ cũng cần nghe thêm các ý kiến đóng góp về những vấn đề này. Dù nhiều đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội nhưng đều bám sát các nhóm vấn đề đã lựa chọn, có sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng đối với từng bộ ngành, vì thế câu hỏi dành cho mỗi bộ trưởng khá toàn diện, đúng trọng tâm, là những vấn đề nổi cộm nhất được cử tri cả nước đang quan tâm. Nhiều chất vấn sắc sảo hay tranh luận với lý lẽ chặt chẽ để đi đến cùng vấn đề đã được các ĐBQH đưa ra. Trong đó, điều tôi cho rằng rất cần ghi nhận là chất vấn của đại biểu không mang tính chất phủ nhận mà nêu cao tinh thần xây dựng, qua đó tìm ra giải pháp để khắc phục hạn chế. Có thể thấy, ngay từ phiên đầu tiên, ĐBQH đã nhập cuộc rất nhanh, không khí phiên chất vấn sôi nổi, quyết liệt giống như các phiên chất vấn cuối nhiệm kỳ Khóa XIV.

Trong 4 bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chất vấn chính lần này thì có 2 bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, nhìn chung, các bộ trưởng đều trả lời khá chất lượng, đi thẳng vào nội dung chất vấn của đại biểu, không có tình trạng trả lời vòng vèo, lảng tránh, câu giờ mà thẳng thắn nhận trách nhiệm về hạn chế trong công tác quản lý. Việc đưa ra các thông tin rất rõ ràng cho thấy các thành viên Chính phủ đều nắm chắc lĩnh vực quản lý, tự tin trên diễn đàn của Quốc hội. 

Với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ĐBQH đã chất vấn về nhiều vấn đề cũ (như giải ngân vốn đầu tư công) và vấn đề mới (như phục hồi kinh tế). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời rõ ràng và thẳng thắn chỉ ra đâu là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đâu là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và địa phương. Thông qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng cho thấy, các cơ quan, đơn vị liên quan đều phải có trách nhiệm hơn để khắc phục những hạn chế, tồn tại thấy rõ thời gian qua, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công. ĐBQH cũng ghi nhận khi Bộ trưởng khẳng định rõ ràng “phải có những biện pháp mạnh, nguồn lực lớn để thực hiện phục hồi kinh tế”, dù có ý kiến khác nhau về việc sử dụng biện pháp tăng bội chi, nợ công để thực hiện mục tiêu này. Kế hoạch phục hồi nền kinh tế đang được xây dựng nên nội dung trả lời của Bộ trưởng có thể chưa thoả mãn mong muốn của cử tri, nhưng Bộ trưởng đã nêu rõ quan điểm về phục hồi kinh tế, cơ sở huy động các nguồn lực thực hiện.

Thành công của phiên chất vấn theo tôi còn đến từ cách thức điều hành dân chủ, sâu sát và linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội. Trong các phiên họp, tôi quan sát thấy Chủ tịch Quốc hội không chỉ chăm chú lắng nghe mà còn luôn ghi chép cả câu hỏi của ĐBQH, nội dung trả lời của Bộ trưởng. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đã chủ động gợi mở, định hướng để ĐBQH và Bộ trưởng, trưởng ngành cùng hướng đến giải quyết thấu đáo các vấn đề. Sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội vào nội dung chất vấn đã thúc đẩy các ĐBQH cân nhắc việc đặt câu hỏi không trùng lặp, các thành viên Chính phủ phải trả lời đi đến cùng vấn đề. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nội dung vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngay các bộ trưởng, thành viên Chính phủ khác cùng tham gia làm rõ thêm, thậm chí có thành viên Chính phủ phải nhiều lần tham gia trả lời, không chỉ một lần đứng lên giải đáp chung như trước đây. Sự phản ứng tức thời với vấn đề được ĐBQH quan tâm như vậy đã giúp phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả. 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Nhiều cam kết cụ thể, mạnh mẽ

Các ĐBQH đã chất vấn rất thẳng thắn, đúng, trúng nhiều vấn đề nóng mà cử tri, Nhân dân quan tâm. Cụ thể như, đối với Bộ trưởng Bộ Y tế là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chiến lược vaccine trong thời gian tới, việc bảo đảm nguồn cung vaccine, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, quản lý giá xét nghiệm Covid-19, tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… Những vấn đề đặt ra đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như: chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bảo đảm hiệu quả, kịp thời; chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc… Với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là công tác dạy và học trực tuyến, bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục của học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh, nhất là trong điều kiện phải học trực tuyến như hiện nay… Đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh Covid-19; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh… Có thể nói, các vấn đề quốc kế, dân sinh nóng bỏng nhất hiện nay đều đã được đặt ra tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề đã được tranh luận để làm sáng tỏ.

Tôi đặc biệt ấn tượng với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Là thành viên Chính phủ lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm, không vòng vo, né tránh và tiếp thu ý kiến đối với những nội dung chưa nắm rõ, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét đó là phong cách của một nhà giáo.

Với tinh thần cầu thị, các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn lần này đều trả lời khá thỏa đáng. Tất nhiên, mức độ hài lòng của các ĐBQH, cử tri đối với mỗi bộ trưởng còn khác nhau, nhưng tôi cho rằng, điều này cũng có một phần nguyên nhân là do kinh nghiệm nghị trường của mỗi bộ trưởng. Bên cạnh đó, tôi đánh giá rất cao nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng nhìn thẳng vào các vấn đề tồn tại hiện nay, các nguy cơ, thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển của đất nước và trả lời trọng tâm các nội dung chất vấn của ĐBQH, nhất là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, vấn đề an sinh xã hội... và đưa ra nhiều cam kết cụ thể, mạnh mẽ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hiểu rất rõ và cụ thể các vấn đề chất vấn, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn linh hoạt, khoa học, thẳng thắn. Đôi lúc, nếu bộ trưởng chưa trả lời rõ, chưa sát nội dung mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đã kịp thời nhắc nhở, hướng các vị trưởng ngành vào đúng trọng tâm câu hỏi.

Thanh Chi - Phương Thủy - Hoàng Ngọc thực hiện