Tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động giám sát

- Chủ Nhật, 24/01/2021, 09:14 - Chia sẻ
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh xác định giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã chú trọng thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề và các vấn đề cử tri quan tâm. Nhờ đổi mới phương thức, nội dung giám sát, phát huy năng lực, trách nhiệm của từng đại biểu, chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Chỉ rõ hạn chế bất cập, kiến nghị giải pháp cụ thể

Bên cạnh các chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đã chủ động xây dựng chương trình giám sát riêng của Đoàn tại địa phương. Nội dung các chuyên đề bám sát chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và trên cơ sở tình hình thực tiễn địa phương, thông tin chủ động nắm bắt. Kết thúc các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự giám sát theo quy định. Các đơn vị thuộc đối tượng giám sát cơ bản đã nghiêm túc xây dựng báo cáo theo yêu cầu, cử đúng thành phần làm việc với đoàn giám sát.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đã tổ chức 14 cuộc giám sát. Trong đó, có 5 cuộc giám sát theo kế hoạch của Đoàn ĐBQH tỉnh. Có thể kể đến là các cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu đô thị; quản lý, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; giám sát việc thực hiện kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh sau các cuộc giám sát từ đầu nhiệm kỳ và giám sát việc trả lời, giải quyết đơn thư, kiến nghị cử tri.

Đánh giá về các cuộc giám sát này, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh cho biết: Đây là các cuộc giám sát có sự nhạy cảm, nội dung giám sát rộng, liên quan đến nhiều văn bản QPPL, giai đoạn thực hiện dài, được dư luận, cử tri, Nhân dân quan tâm. Vì vậy, các cuộc giám sát đều được Đoàn ĐBQH xây dựng kế hoạch, đề cương cụ thể, lịch trình phù hợp; mời các ĐBQH tham gia; thành viên mặt trận tổ quốc, HĐND tỉnh cùng phối hợp giám sát. Các ĐBQH nghiên cứu chính sách pháp luật liên quan; kết hợp giám sát tại cơ sở với nghiên cứu báo cáo, phân tích, đánh giá chỉ rõ kết quả, phát hiện những hạn chế bất cập và kiến nghị cụ thể.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận định những kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh, tổng hợp 208 ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về giải pháp thực hiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành không phù hợp thực tiễn. 127 kiến nghị với tỉnh về các giải pháp tổ chức thực hiện; quản lý nhà nước và sửa đổi bổ sung quy định chính sách. Nhiều nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh sau giám sát đã được các cấp quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Có thể kể đến, kiến nghị Chính phủ rà soát, tích hợp cơ chế chính sách pháp luật hiện hành và có giải pháp đồng bộ có tính khả thi mang lại hiệu quả nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi; sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng miền; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm… Đoàn đã kiến nghị và tỉnh quan tâm bổ sung nguồn lực từ ngân sách tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 135 và giải pháp thực hiện. Do đó, đến hết năm 2019 đã có 100% các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, vượt kế hoạch trước một năm.

Từ hoạt động giám sát, Đoàn cũng đề nghị sửa đổi Nghị định số 15/CP/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan đầu tư. Hay như qua cuộc giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp và đô thị trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2018”, Đoàn đã phát hiện, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm 6 doanh nghiệp, thanh tra 1 doanh nghiệp. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục một số điểm ô nhiễm môi trường… và nhiều kiến nghị của Đoàn đề nghị sửa đổi quy định pháp luật hiện hành đã được sửa đổi bổ sung, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về KCN, KKT tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái)  

Ảnh:  Q.M.G 

Dấu ấn nơi nghị trường

Tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH Đoàn Quảng Ninh tích cực tham gia phát biểu tại các phiên giám sát tối cao. Có 25 lượt chất vấn trực tiếp của các ĐBQH trong Đoàn tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội; 19 phiếu chất vấn bằng văn bản gửi tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bất cập, vướng mắc, được cử tri và Nhân dân quan tâm như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành than trong thực hiện quy hoạch khai thác và tiêu thụ than; rút ngắn thời gian phê duyệt hạn mức xuất khẩu than hàng năm; về chi tiêu ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công, xử lý nợ xấu; việc đầu tư xây dựng kè sông biên giới; giải pháp xử lý tồn đọng phế liệu nhập khẩu ở một số cảng biển tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và hậu cần nghề cá ở Cô Tô; giải pháp phát triển du lịch Việt Nam; giải pháp giải quyết bất cập trong hợp đồng đối với 256 giáo viên huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội)...

Các nội dung chất vấn của ĐBQH trong Đoàn đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, tiếp thu, trả lời trực tiếp và bằng văn bản, nhiều vấn đề đưa ra chất vấn đã được giải quyết như: Tháo gỡ khó khăn cho ngành than; đầu tư xây dựng kè sông biên giới; giải pháp phát triển kinh tế du lịch; giải pháp bảo vệ môi trường; giải quyết bất cập trong hợp đồng cho giáo viên; giải pháp tháo gỡ khó khăn bất cập cho vùng đồng bào, dân tộc miền núi... đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết về chất vấn trả lời chất vấn, nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ ngành liên quan tháo gỡ, có giải pháp giải quyết… Nhờ đổi mới phương thức, nội dung giám sát, phát huy năng lực, trách nhiệm của từng đại biểu, chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển biến tích cực, những hạn chế dần được khắc phục, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

PHONG NAM