Tạo chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:19 - Chia sẻ
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, các đại biểu nhất trí với kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và cho rằng, phạm vi giám sát rất bao quát, đầy đủ. Thông qua giám sát sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát.
Anh: H.Long
Anh: H.Long

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Chấn chỉnh trách nhiệm của cơ quan hành chính trong tiếp công dân

Việc Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đã cho thấy sự quan tâm của Quốc hội đối với lĩnh vực hết sức quan trọng này. Thông qua chuyên đề giám sát này sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, đồng thời tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây cũng sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. 

Thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã luôn tích cực, chủ động giúp Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ đều xây dựng Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, trước khi trình Quốc hội.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, phức tạp. Đặc biệt, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng Thanh tra Chính phủ giám sát trực tiếp, tham gia giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, từ đó, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền cũng như các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, qua rà soát tại các tỉnh, thành phố thì vẫn còn 979 vụ việc đang được các địa phương tiếp tục giải quyết. Trong đó, có 35 vụ việc đã xác định là phức tạp, kéo dài đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 đã kiểm tra, rà soát 24 vụ việc tại 10 địa phương và đến nay còn 10 vụ việc ở một số địa phương nữa. Vì vậy, chuyên đề giám sát này sẽ giúp Chính phủ xem xét cụ thể về những vụ việc mà Chính phủ đã rà soát nhưng các địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đây cũng là dịp rất tốt để tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc.

Ảnh: Hồ Long
Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Tiết kiệm các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững 

Ngay khi có chương trình giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội xây dựng đề cương, kế hoạch, nội dung giám sát. Chúng tôi cơ bản nhất trí với kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát. Các nội dung, phạm vi giám sát bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hàng tháng, Bộ Tài chính đã có các báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội để theo dõi, giám sát chung. Triển khai kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành kế hoạch phân công cho các đơn vị của Bộ tổng hợp, xây dựng 17 báo cáo chuyên đề và 12 phụ lục báo cáo thuộc các lĩnh vực phân công để báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.

Hiện nay, các đơn vị của Bộ đang triển khai tích cực, bước đầu có kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình tổng hợp, xây dựng phụ lục báo cáo về tổng hợp quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021 có một số vướng mắc. Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Phụ lục C05 có nhiều chỉ tiêu nằm ngoài hệ thống biểu mẫu theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính sẽ phải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo bổ sung theo đúng chỉ tiêu Phụ lục. Tuy nhiên, với số lượng dự án lớn (trong 5 năm, số dự án sẽ phải báo cáo là 457.012 dự án), trong thời gian ngắn, điều kiện bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp nên khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đề xuất Đoàn giám sát giao Bộ Tài chính phối hợp với Tổ giúp việc của Đoàn giám sát để rà soát, thống nhất lại biểu mẫu tại Phụ lục C05, để Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu kế hoạch tài chính.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phối hợp cùng Bộ Tài chính nhằm tổng hợp kịp thời các báo cáo, biểu mẫu theo quy định của Đoàn giám sát. Thứ trưởng Bộ Tài chính tin tưởng, qua giám sát chuyên đề của Quốc hội, công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần tiết kiệm các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà: Xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND trong triển khai giám sát của Quốc hội 

Trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội, Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1.2022, 1 nội dung phải báo cáo xong trong tháng 2.2022. Hà Nội mong muốn được điều hòa về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì cuối năm là thời gian "về đích" nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Thời gian qua, Thường trực HĐND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, bảo đảm thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND Thành phố tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND), xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong xây dựng các luật chuyên ngành cần quy định rõ thẩm quyền của HĐND, của Thường trực HĐND để bảo đảm HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Hai là, tăng cường hoạt động hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; đồng thời trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động giám sát chuyên đề giữa các cơ quan. Nghiên cứu phân công cơ quan chuyên trách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm nhiệm vụ, theo dõi, tổng hợp, tham mưu để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Quốc hội và HĐND các cấp thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trong các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề.

Bốn là, tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: Công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đồng thời tăng cường giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về việc giải quyết các kiến nghị của địa phương và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Năm là, nghiên cứu ứng dụng CNTT trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thanh Chi, Hoàng Ngọc, Trung Thành