Tạo bứt phá, khác biệt và lan tỏa

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 06:35 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tổ sáng qua, các đại biểu nhất trí với việc ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Lý lẽ là bởi nghị quyết sẽ góp phần khai thác lợi thế ở các địa phương, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đến sự phát triển, tạo sự bứt phá, khác biệt, lan tỏa.
ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Ảnh: Quang Khánh

Huy động tối đa nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị về các cơ chế chính sách phát triển các địa phương này. Như nhận định của ĐBQH Lại Xuân Môn (Cao Bằng), việc ban hành các nghị quyết sẽ góp phần khai thác lợi thế ở các địa phương, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đến sự phát triển, tạo sự bứt phá, khác biệt, lan tỏa.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; TP. Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hàng năm.

Khẳng định tính hợp lý của các đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy định như vậy sẽ góp phần tạo "dư địa" để TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Trước lo ngại của một số đại biểu về việc áp dụng cơ chế này có làm tăng mức tổng dư nợ vay quốc gia hay không, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ, quan trọng là hàng năm Quốc hội đều quyết định dự toán ngân sách, trong đó có trần nợ công và trần nợ vay của các địa phương, cho nên vẫn có thể kiểm soát được vấn đề này. 

Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng chia sẻ ý kiến của một số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương này chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.

Với ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Chính phủ đề nghị, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP. Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách TP và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Cơ bản thống nhất với nội dung này, nhiều ĐBQH nhận thấy, chính sách này tương tự như chính sách TP. Hải Phòng đã và đang được hưởng theo Nghị định số 89/2017/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hải Phòng và cũng tương tự như chính sách đang được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh.

Liên quan đến cơ chế chính sách về quản lý đất đai, các ĐBQH thống nhất quy định của dự thảo Nghị quyết giao “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500ha. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”. Từ thực tế của địa phương, ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cho biết thêm, Thanh Hóa và Nghệ An có "dư địa" để phát triển đất rừng. Các diện tích đất rừng phòng hộ mà hai địa phương này đề xuất cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đều nằm ở vị trí có thể chuyển đổi được, do đó, nếu Quốc hội cho phép áp dụng như dự thảo Nghị quyết sẽ tạo thêm nhiều "dư địa" cho Thanh Hóa, Nghệ An phát triển kinh tế. 

Đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Qua thảo luận ở tổ, một số ý kiến cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đặc thù mới khác về ưu đãi đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng cấp phó, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… phù hợp với yêu cầu phát triển và đem lại giá trị gia tăng cho các địa phương. Như đề xuất của ĐBQH Bùi Văn Cường (Hải Dương), đó là với các địa phương có diện tích rộng, dân số đông, cần xem xét có chính sách đặc thù theo hướng tăng thêm số lượng cấp phó ở các sở, ngành, địa phương, vì hiện nay, quy định chung số lượng cấp phó này đều là 3 người, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương này giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu mới đặt ra trên địa bàn. Nói cách khác, đó là nên chăng cũng cần có chính sách đặc thù về con người, tức là xem xét tăng thêm cấp phó cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế nhằm thúc đẩy sự phát triển, đại biểu Bùi Văn Cường đề nghị.

Liên quan đến các nội dung chính sách cụ thể, đối với đề xuất nâng trần dư nợ vay của địa phương, các đại biểu cho rằng không cần quá lo lắng tác động đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước, bởi tổng bội chi ngân sách địa phương cũng do Quốc hội quyết định nên có thể kiểm soát được và việc áp dụng cơ chế này có gắn với điều kiện khi ngân sách trung ương không hụt thu, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Hay, với việc quyết định phí, lệ phí, các đại biểu cơ bản nhất trí chủ trương có sự phân cấp cho địa phương, giao HĐND cấp tỉnh quyết định đồng thời lưu ý việc thực hiện có lộ trình để phù hợp với điều kiện thực tế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công khai, minh bạch và không ảnh hưởng đến các địa phương khác, tránh tình trạng cục bộ, cát cứ. Các đại biểu cũng nhất trí về việc để lại khoản thu từ phí tham quan Di tích Cố đô Huế cho ngân sách của tỉnh để đầu tư trở lại, trùng tu, bảo tồn di tích, đồng thời lưu ý khoản thu này có đưa vào cân đối để xác định tỉ lệ điều tiết ngân sách hay không. 

Thực tiễn cho thấy, mỗi địa phương có vị trí đặc thù và tiềm năng thế mạnh riêng, do đó, việc ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố lần này là rất cần thiết. Việc thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố lần này, cùng với việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, sau 5 năm triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ có đánh giá, tổng kết. Nếu các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả tốt, phù hợp có thể xem xét trình Quốc hội sửa luật để nhân rộng, áp dụng chung cho cả nước. Đây cũng là ý nghĩa lớn nhất và đích đến của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Quốc hội xem xét, thông qua.

Anh Thảo