Khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có quy mô lớn nhất cả nước về dân số và kinh tế. Vì lẽ đó, TP là địa phương được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và chính quyền địa phương. Năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. Năm 2022, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Trên cơ sở đó, Thành ủy TP cũng ban hành Nghị quyết số 08, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 25, UBND TP cũng ban hành kế hoạch số 8127 để cụ thể hóa nội dung trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 54.
Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 54, các lĩnh vực kinh tế - xã hội TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử về quản lý đất đai, đã giúp TP rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ gửi Bộ TN-MT cũng như Bộ NN-PTNT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, Chủ tịch UBND TP đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP. Về triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức đã tăng cường hiệu quả làm việc, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Tuy nhiên, quá trình triển khai nghị quyết cũng cho thấy còn một số hạn chế. Cụ thể, về quản lý tài chính và ngân sách Nhà nước, UBND TP đã giao các cơ quan liên quan để xây dựng đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên, một số loại phí có liên quan do cơ quan quản lý cấp trên ban hành, nên TP cũng chưa thực hiện được việc tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với hàng hóa chịu loại thuế này...
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng: Nghị quyết số 54 hiện hành bao gồm 18 nội dung, nhưng trên thực tế, có một số nội dung không thực hiện được, chẳng hạn như việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên một số hàng hóa, dịch vụ. Do đó, dự thảo Nghị quyết mới sẽ không chỉ là một vài điểm mà mang tính hệ thống hơn trong quản lý Nhà nước trên địa bàn và trong một số chính sách để khai thác nguồn lực… Thực chất là cụ thể hóa Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Tổng kết của HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 54 triển khai còn chậm so với kế hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy, kịp thời như mong đợi. Đơn cử về quản lý đầu tư, tất cả 6 dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết số 54 đều chậm tiến độ, đến nay sắp hết thời gian thực hiện dự án nhưng có 3 dự án chưa thực hiện; còn 3 dự án đang triển khai nhưng tiến độ còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của TP quản lý, việc thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2022 đến hết thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội chỉ từ 0,6 lần đến 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, chưa đạt được mức 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ…
Gỡ vướng và tạo đột phá
Được xây dựng công phu, hệ thống gồm 7 nhóm nội dung với hơn 40 điểm, Dự thảo nghị quyết mới là sự tổng kết của ba loại cơ chế. Một là những cơ chế, chính sách đặc thù so với pháp luật chung mà TP đã thực hiện có hiệu quả, nay tiếp tục duy trì. Hai là những cơ chế, chính sách mới được đề xuất trên cơ sở hoàn cảnh thực tiễn phát sinh thời gian qua trên địa bàn TP. Ba là những cơ chế, chính sách có tính định hướng phù hợp với định hướng phát triển của TP trong tương lai.
Nhìn chung, nội dung của dự thảo có tính vượt trội nổi bật, rõ nét. Theo đó, chính quyền TP có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra ở TP cả trong quản lý ngành, lĩnh vực và cả trong tổ chức bộ máy, nhân sự địa phương. Đồng thời tháo gỡ hàng loạt vướng mắc mà TP đã và đang gặp phải để phát triển TP. Hồ Chí Minh xứng tầm một đô thị lớn hàng đầu cả nước.
Theo nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS.TS. Phan Thanh Bình, nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 nhằm chuẩn bị khung chính sách phát triển cho tình hình mới có rất nhiều biến động về khoa học công nghệ, tình hình địa chính trị. TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng, lợi thế, thuận lợi để phát triển, cần có một nghị quyết để giải quyết kỳ vọng, ước mơ của TP.
Bởi vậy, cùng với các cơ chế đột phá, vượt trội còn phải giúp cho TP giải quyết được các khó khăn vì vướng mắc pháp lý. Ngoài ra, cần tính đến yếu tố liên kết vùng, các địa phương lân cận cũng cần được áp dụng cơ chế nghị quyết như TP để cùng đồng hành phát triển.
Đồng quan điểm, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Tạo đột phá không nên chỉ giới hạn trong địa bàn TP. Các dự án là của TP nhưng có tính liên vùng, liên quan đến các địa phương khác thì HĐND TP và các địa phương khác được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế đặc thù dành cho TP. Như vậy, sự thay đổi của TP. Hồ Chí Minh sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, thúc đẩy các dự án.