Tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội

- Thứ Hai, 14/06/2021, 07:20 - Chia sẻ
Theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ĐÀO DUY QUÁT, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đã một lần nữa khẳng định thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường của Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Đột phá lý luận cơ bản và sáng tạo của Đảng

- Một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta được Tổng Bí thư nhắc đến trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" là quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Sáng tạo được hiểu là làm ra cái mới, chưa ai làm và đột phá là phá vỡ một hoặc một số khâu của một hệ thống, tạo ra những chuyển biến mới, mạnh mẽ. Có thể nói, hình thành được quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một thành tựu lý luận đặc biệt quan trọng, là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI. Vào thời điểm này, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước đang đối mặt với những thách thức, khó khăn gay gắt, sản xuất trì trệ, lưu thông rối ren, mất cân đối lớn trong nền kinh tế, 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Trước tình hình đó, Đảng ta cho rằng, muốn làm tròn trách nhiệm của mình “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt”. Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đổi mới tư duy không chỉ là đổi mới nội dung tư duy mà còn phải đổi mới quan niệm.

Thời điểm này, chúng ta đang có sự lạc hậu về nhận thức lý luận, có nhiều quan niệm lạc hậu về công nghiệp hóa, về cải tạo quan hệ sản xuất, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối lưu thông. Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhất là tư duy kinh tế, thông qua nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng ta từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, từng bước khắc phục những quan niệm giản đơn, không phù hợp trong kinh tế như nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản.

Nhờ nhận thức đúng đắn hơn và sâu sắc hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn quan niệm về bỏ qua chế độ tư bản, từng bước Đảng ta đã hình thành quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Như ông chia sẻ, quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không tự nhiên hình thành, mà phải trải qua một quá trình tổng kết, hoàn thiện?

- Trong Nghị quyết Đại hội VI, Đảng ta xác định, kiên quyết xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cơ chế mới lấy kế hoạch làm trọng tâm, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa, tiền tệ, quản lý bằng phương pháp kinh tế. Đến Đại hội VII, Đảng ta đưa ra quan niệm phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã phát triển hoàn thiện quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đây là quan niệm mới, phá vỡ, xóa bỏ quan niệm về cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sáng tạo lý luận của Đảng ta, đúng như bài viết của Tổng Bí thư đã luận giải, đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức, quản lý, phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng không phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ. Đây là kiểu kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

- Khác với các nước tư bản, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội. Điều đó thể hiện sự tiến bộ, nhân văn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thưa ông?

- Một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường của Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cho thấy, công cuộc đổi mới trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi và phát triển mạnh mẽ, to lớn, toàn diện. Nền kinh tế nước ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng, phát triển liên tục với tốc độ cao, đưa nước ta từ nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người hơn 3.500 USD, tăng 17 lần so với trước đổi mới.

- Theo ông, Quốc hội cần làm gì theo chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần từng bước hiện thực hóa thắng lợi những tư tưởng trong bài viết của Tổng Bí thư?

- Có thể thấy, bài viết của Tổng Bí thư đã hệ thống và luận giải nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam kết tinh trong Cương lĩnh và Đường lối Đại hội XIII của Đảng. Do đó, Quốc hội cùng các tổ chức trong hệ thống chính trị của nước ta cần gắn chặt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII với việc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc bài viết quan trọng này.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc bài viết, Quốc hội bổ sung, hoàn thiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, với tinh thần tiếp tục đổi mới, thực hiện hiệu quả ba chức năng quan trọng của Quốc hội là lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn 2030 và 2045. Rất cần coi trọng, bổ sung, hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ 2021 - 2026, tầm nhìn 2030, 2045, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển của đất nước, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện