Dịch vụ OTT xuyên biên giới

Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em trước các nội dung xấu, độc

- Thứ Hai, 10/01/2022, 19:36 - Chia sẻ
Việc các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới để lọt không ít nội dung bạo lực, vi phạm pháp luật…, trong khi trẻ em Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm này làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, nhận thức của trẻ em.

Nguy hiểm cho nhận thức và sự phát triển của trẻ em

Ngoài những lợi ích như đem đến cho khán giả Việt sản phẩm văn hóa mới, nhiều sự lựa chọn thưởng thức hơn, các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới cũng để lọt không ít sản phẩm vi phạm chuẩn mục văn hóa cũng như pháp luật Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, với việc nội dung nằm ngoài vòng kiểm soát, trẻ em Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm này, ảnh hưởng vô cùng lớn đến hành vi, nhận thức. Lý do là trẻ luôn tin vào những gì chúng nhìn thấy. Một số nội dung phim có tác động trực tiếp đến hành vi của trẻ em, trong khi một số khác ảnh hưởng đến sự nhận thức của trẻ khi lớn lên.

Hiện rất nhiều quốc gia đã siết chặt hoạt động của các OTT xuyên biên giới (ảnh minh hoạ)
Hiện rất nhiều quốc gia đã siết chặt hoạt động của các OTT xuyên biên giới. Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu khẳng định có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông và suy nghĩ, cảm xúc, hành vi hung hăng hoặc bạo lực ở người xem. Theo nghiên cứu kéo dài 4 năm của bà Caroline Fitzpatrick, trợ lý Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sainte-Anne (Canada), trẻ em tiếp xúc nhiều với phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực sẽ có tâm lý chống đối xã hội hơn. Các hành vi biểu hiện bao gồm: nói dối, thiếu ăn năn, thiếu đồng cảm và thao túng người khác.

Không chỉ thay đổi nhận thức, nhiều vụ việc nghiêm trọng như hành hạ bản thân, tự tử do bắt chước trên Youtube đã từng xảy ra. Trên Youtube từng xuất hiện nhiều video mang tên Thử thách Momo (momo challenge) có nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát; hoặc “thử thách cá voi xanh” kết thúc bằng việc tự sát sau khi làm 50 thử thách, trong đó có việc rạch lên cơ thể hình cá voi xanh.

Tại Việt Nam, năm 2020, Công an Đồng Nai đã phát tin cảnh báo về trường hợp cháu bé 8 tuổi (Trảng Bom, Đồng Nai) treo cổ dẫn đến tử vong trong nhà tắm, nghi do học theo 'thử thách Momo” trên mạng.

Trao đổi với báo giới mới đây, ĐBQH Đinh Công Sỹ cho rằng, những sản phẩm văn hóa trong đó có phim ảnh, các clip âm nhạc, các tác phẩm hội họa…đều có những tác động ở những mức độ nhất định đến nhận thức tâm lý, tính cách, tình cảm và hành động của người tiếp nhận. Sự ảnh hưởng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn ở nhóm tuổi thiếu nhi do những đặc điểm về mặt sinh học các cháu còn chưa trưởng thành.

“Do vậy, phim ảnh hay các video clip có nội dung khiêu dâm, bạo lực hay có hình ảnh, ngôn ngữ…cực đoan về một vấn đề xã hội nào đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến sự phát triển bình thường trong tâm, sinh lý của trẻ em. Điều đó dẫn đến nhận thức sai trái và sau cùng là có thể có các hành vi lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật”, ông Sỹ nói.

Nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm 

Theo báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trend 2021, hiện tỷ lệ người Việt dùng internet chiếm khoảng 65% dân số. Trong đó, khoảng hơn 40,7 triệu người dùng có smartphone; thời gian bình quân một người dân dành cho lên mạng vào internet từ 3,1 giờ/ngày đã tăng lên 4,2 giờ/ngày. Điều này quá thuận tiện cho các sản phẩm từ các đơn vị OTT nước ngoài xâm nhập và thay đổi nhận thức hàng triệu lượt khán giả người Việt.

Đơn cử ví dụ của OTT xuyên biên giới là Netflix. Đây là nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất thế giới, có 151 triệu thuê bao tại 150 quốc gia, đã có mặt tại Việt Nam kể từ năm 2016 với nguồn lợi nhuận thu được vô cùng lớn. Một số phim được trình chiếu trên Netflix có nội dung vi phạm pháp luật của Việt Nam. Thậm chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng gửi công văn cho Netflix chỉ rõ những vi phạm như: nội dung xuyên tạc lịch sử (phim tài liệu “Vietnam War”), xuyên tạc chủ quyền Việt Nam (phim điện ảnh “Madam Secretary”), nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma tuý, khiêu dâm (phim điện ảnh, truyền hình “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”...).

Cục Phát thanh truyền hình nhấn mạnh nội dung các phim này không được biên tập để phù hợp với truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục Việt Nam; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, làm biến tướng sự trong sáng của tiếng Việt; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp...

Cần biện pháp ngăn chặn kịp thời

Nền tảng OTT tại Việt Nam để hoạt động phải thông qua quy trình xin phép phức tạp như thành lập một kênh truyền hình, nội dung nhập khẩu, sản xuất, tuân thủ theo quy trình nghiêm khắc của các bộ, ngành liên quan. Theo đó, các đơn vị của Việt Nam nếu có vi phạm sẽ bị xử lý ngay theo pháp luật, nhất là chuẩn mực đạo đức Việt Nam. Về thuế, phải mất 10% thuế bản quyền, 5% thuế giá trị gia tăng và hơn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị OTT xuyên biên giới đang liên tục cung cấp nội dung nhưng không tuân thủ một số quy định của pháp luật Việt Nam.

Các OTT nội chấp hành mọi quy định của pháp luật ngày càng kém cạnh tranh trước những OTT xuyên biên giới không phép (ảnh minh họa)
Các OTT nội chấp hành mọi quy định của pháp luật ngày càng kém cạnh tranh trước những OTT xuyên biên giới (ảnh minh họa)

Theo ĐBQH Đinh Công Sỹ, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện pháp luật theo hướng có các quy định thích ứng được với sự phát triển của các tác phẩm văn hóa trên nền tảng số. “Sự thích ứng này vừa phải tạo điều kiện cho sự phát triển, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân với các tác phẩm văn hóa. Trong đó, có điện ảnh trong bối cảnh mới, nhưng đồng thời có các quy định có thể kiểm soát, xử lý nghiêm minh những vi phạm nếu có với các cá nhân, tổ chức”, ông Sỹ nói.

Ngoài ra, cần có sự hợp tác quốc tế như giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các tập đoàn, doanh nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên không gian mạng, bao gồm cả các tập đoàn, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa của nước ngoài. “Thông qua cơ chế hợp tác kịp thời xóa bỏ hoặc có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tái phạm khi có vi phạm cho dù đối tượng vi phạm ở nước ngoài”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Ông Sỹ cũng cho rằng phải giáo dục sử dụng an toàn, lành mạnh các sản phẩm văn hóa trên các ứng dụng, cũng như cần định hướng thẩm mỹ cho thanh thiếu nhi tại gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể. Qua đó, giúp cho người xem, sử dụng các sản phẩm này hình thành khả năng nhận diện đúng – sai để có thể tự bảo vệ mình.

Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiên Việt Nam (VNPayTV) đã công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét và có chủ trương, biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các nhà cung cấp OTT trực tuyến xuyên biên giới đã, đang xâm nhập tại Việt Nam.

Theo đó, VNPayTV kiến nghị chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa hội đủ các điều kiện công tác quản lý, biên dịch, biên tập nội dung chương trình. Việc này để bảo đảm yêu cầu an ninh thông tin truyền thông trên mạng Internet và nhất là tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”.

“Hiện nay các đơn vị cung cấp nội dung trong nước thì phải tuân thủ nghiêm ngặt còn các đơn vị nước ngoài thì không những không thực hiện các quy định cần thiết, mà còn vi phạm Luật Báo chí và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền phản động, chống đối nhà nước và Nhân dân Việt Nam”, VNPayTV nêu.

PHONG NAM