Tăng giá trị giao dịch thị trường KH và CN 15 - 17% năm

- Thứ Bảy, 20/04/2013, 15:03 - Chia sẻ
Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011 – 2020 ra đời nhằm tận dụng triệt để thời cơ, vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển KT- XH của đất nước và hội nhập quốc tế. Để thực hiện hiệu quả chiến lược đó, theo TS. NGUYỄN THANH THỊNH, Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ- Bộ KH và CN, chúng ta phải cụ thể hóa những mục tiêu, định hướng chiến lược KH và CN thành chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ KH và CN trong các giai đoạn từ 3- 5 năm tới và những năm tiếp theo, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế, các vùng, các địa phương phát triển nhanh và bền vững.

TS. Nguyễn Thanh Thịnh
- Chiến lược phát triển KH và CN ra đời với những định hướng, nhiệm vụ cụ thể với ý nghĩa đột phá để phát triển KH và CN thưa Ông ?
 
Ông Nguyễn Thanh Thịnh: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược với mục tiêu đến năm 2020 xác định KH và CN góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tôi cho rằng, nếu tính toán chính xác và thực tế hơn thì giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng chỉ đạt khoảng 25- 30% GDP, con số này cũng có thể coi là thành công khi triển khai ứng dụng KH và CN vào thực tiễn.
 
Chiến lược cũng đặt mục tiêu giá trị giao dịch của thị trường KH và CN tăng trung bình 15 - 17%/năm. Mục tiêu đến năm 2020, KH và CN Việt Nam trong một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại so với khu vực và thế giới… Đến năm 2015, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ đạt từ 9 - 10 người trên một vạn dân; Đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, có đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia cùng với khoảng 5.000 doanh nghiệp KH và CN; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
 
Tôi cho rằng, Chiến lược đưa ra được tầm quan trọng của KH và CN, đóng vai trò chủ đạo, then chốt để tạo ra những bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình CNH - HDH đất nước. Để đạt được điều này, chúng ta phải xác định rõ 3 định hướng chủ đạo trong hoạt động KH và CN trong giai đoạn 2011- 2020 là: Nâng cao năng lực KH và CN; Đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, trong đó cần đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH và CN. Bên cạnh đó, nâng cao được nhận thức của đội ngũ lãnh đạo và quản lý các cấp, từ trung ương đến địa phương về vai trò, tác động nội dung của Chiến lược đối với phát triển KT- XH trong những thập niên tới. Đây là những khâu đột phá quan trọng trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
 
- Việc triển khai Chiến lược sẽ có tác động và ảnh hưởng như thế nào tới đời sống và vị thế KH và CN của Việt Nam trong thời gian tới, thưa Ông ?
 
Ông Nguyễn Thanh Thịnh: Nếu chúng ta tổ chức thực thi tốt sẽ thúc đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH hóa nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế mũi nhọn phải dựa vào những thành tựu KH và CN thông qua việc thực hiện chiến lược KH và CN.
 
Chúng ta phải cụ thể hóa những mục tiêu, định hướng chiến lược KH và CN thành chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ KH và CN cụ thể trong các giai đoạn từ 3- 5 năm tới và những năm tiếp theo, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế, các vùng, các địa phương phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Chiến lược phải lấy đối tượng khu vực doanh nghiệp để có tác động theo chuỗi đổi mới nhằm tăng năng suất lao động cũng như chuỗi giá trị mới gia tăng bằng áp dụng những thành tựu KH và CN hiện đại. Chỉ có như vậy Việt Nam mới phát triển nhanh được, qua đó mới có thể sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
 
- Theo Ông các bộ, ngành và địa phương cần phải phối hợp như thế nào để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược ?
 
Ông Nguyễn Thanh Thịnh: Chiến lược đã nêu lên những định hướng, nhiệm vụ KH và CN phục vụ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, vùng trọng điểm và các địa phương nhằm phát huy các lợi thế so sánh, kết hợp liên kết nhiều vùng trong việc xây dựng, phát triển tiềm lực KH và CN và ứng dụng nhanh những tiến bộ KH và CN. Điều này sẽ khắc phục và hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo, gây lãng phí, kém hiệu quả trong hoạt động KH và CN ở nhiều địa phương như trước đây. Nếu xét về tầm vĩ mô, Chiến lược phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Bộ KH và CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan. Tôi cho rằng, mối quan hệ này nếu không được thiết lập rõ ràng, minh bạch và còn tình trạng quan liêu, phiền hà theo cơ chế xin-cho thì KH và CN không thể bứt phá lên được, không thể thành quốc sách hàng đầu như chúng ta kỳ vọng.

- Theo Ông cần có những kế hoạch cụ thể nào để Chiến lược thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH mang tính bền vững ?
 
Ông Nguyễn Thanh Thịnh: Trong những năm tới, Chính phủ, Bộ KH và CN cùng với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải chủ động huy động được các nguồn tài chính trong và ngoài nước để đầu tư thực sự cho hoạt động KH và CN. Kèm theo đó, hoạt động này phải gắn với đổi mới công nghệ theo chuỗi giá trị gia tăng trong các ngành kinh tế mũi nhọn, những ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, chúng ta phải sớm tổ chức lại hệ thống KH và CN, đổi mới chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ KH và CN có trình độ, tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước có nền kinh tế và KH và CN phát triển trên thế giới. Ngoài ra, cần hình thành những viện, trường đại học đẳng cấp quốc tế song phương hoặc đa phương trong nước để tiến hành nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực khoa học có chất lượng phục vụ các nhiệm vụ KH và CN nước nhà.
  
- Xin cám ơn Ông !
Ngũ Hiệp