Tăng cường minh bạch và hiệu quả hoạt động cứu trợ và từ thiện

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 10:16 - Chia sẻ
Cần có sự kết nối, phối hợp giữa những người tham gia đóng góp với các tổ chức, cá nhân đứng ra làm thiện nguyện, cùng với chính quyền địa phương và người dân nơi nhận cứu trợ, từ thiện. Qua đó, giúp tăng cường minh bạch và hiệu quả của hoạt động cứu trợ và từ thiện. Đây là kiến nghị được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường minh bạch và hiệu quả trong hoạt động cứu trợ và từ thiện tại Việt Nam" do Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 20.1.

Khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho các cá nhân tham gia vào quy trình thiện nguyện

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thì các hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Huy động nguồn lực từ hoạt động thiện nguyện cá nhân sẽ giúp giảm tải cho ngân sách của nhà nước, đồng thời phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người dân.

Các ca sĩ quyên tiền ủng hộ người bệnh nghèo tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Thành Công-thanhnien.vn

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: “Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, qua hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như lòng tin của công chúng và các mạnh thường quân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế này là do thiếu khung khổ pháp luật đối với cá nhân được tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Liên quan đến vấn đề vận động, tiếp nhận nguồn hỗ trợ, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Chính “khoảng trống” pháp luật này đã gây nên những lùm xùm trong hoạt động vận động, kêu gọi từ thiện của một số cá nhân thời gian qua.  

Để lấp “khoảng trống” pháp lý này, ngày 27.10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này thay thế cho nghị định 64/2008/NĐ-CP trước đây.

Các chuyên gia đều cho rằng, Nghị định 93/2021/NĐ-CP đã cơ bản đã khắc phục được nhiều bất cập trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP trước đó. Đặc biệt là tăng cường minh bạch, sự tham gia và đảm bảo sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện. Đây có thể coi là khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho các cá nhân tham gia vào quy trình thiện nguyện, được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động thiện nguyện

Thực tế cho thấy, hoạt động thiện nguyện là một nét đẹp của người Việt, thể hiện tình đoàn kết, sẻ chia để giúp đỡ nhau qua khó khăn, hoạn nạn. Tiếc rằng trong quá trình thực hiện, đã phát sinh những bất cập, không ít trường hợp kêu gọi từ thiện gây nên những lùm xùm không đáng có.

Chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động thiện nguyện vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả của hoạt động này, cần xây dựng các hướng dẫn, cẩm nang cho các cá nhân, tổ chức làm cứu trợ, thiện nguyện không chuyên. Bên cạnh đó các cá nhân, tổ chức thiện nguyện cần xác định lĩnh vực cứu trợ, từ thiện theo hướng lâu dài, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cứu trợ và thiện nguyện, ví dụ: các ứng dụng thiện nguyện của MB Bank, nền tảng Wishare, ví điện tử MoMo…

Đánh giá về hoạt động thiện nguyện thời gian qua, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú nhận định: “Dù còn những bất cập trong các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện ở Việt Nam trong thời gian qua qua, nhưng chúng tôi tin rằng những điều đó không ảnh hưởng tới tinh thần thiện nguyện và tình tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần có các giải pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và dần hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động này. Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành Nghị định 93, thay thế Nghị định 64 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức, quy định trách nhiệm giải trình về hiệu quả và minh bạch trong giải ngân nguồn đóng góp từ người dân” – ông Tú nhận định.

MC Quyền Linh là người hoạt động rất tích cực trong công tác thiện nguyện

Nhấn mạnh, từ quy định của pháp luật đến thực tiễn triển khai vẫn còn khoảng cách, theo ông Tú để các hoạt động này triển khai trên thực tế có hiệu quả, chúng ta cần thúc đẩy và xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện một cách tự nhiên và hài hòa giữa các bên. Hệ sinh thái này là sự kết nối, phối hợp giữa những người tham gia đóng góp, với các tổ chức, cá nhân đứng ra làm thiện nguyện, cùng với chính quyền địa phương và người dân nơi nhận cứu trợ, từ thiện. Mỗi bộ phận trong hệ sinh thái đó đều có vai trò, trách nhiệm liên quan chặt chẽ với nhau trong việc giúp tăng cường minh bạch và hiệu quả của hoạt động cứu trợ và từ thiện.

Ở góc nhìn của luật sư, là người có nhiều năm nghiên cứu về khung pháp lý cho hoạt động từ thiện nhân đạo, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự) cho rằng, cần có các quy định bổ sung về việc khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp thiện nguyện như: các cơ chế về thuế... nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động đóng góp từ thiện. Đồng thời bổ sung các chế tài về xử phạt hành chính để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

“Để hoàn chỉnh khung pháp luật về lĩnh vực này, cần tiến tới xây dựng một đạo luật về hoạt động từ thiện và phi lợi nhuận ở Việt Nam" - Luật sư Nguyễn Tiến Lập đề nghị.

Nghị định Số: 93/2021/NĐ-CP quy định khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Song Hà