Sổ tay:

Tăng chế tài, tăng sức răn đe

- Thứ Sáu, 09/04/2021, 05:58 - Chia sẻ
Mặc dù đã có nhiều chuyên án, vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua, song tình trạng mua bán trái phép hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu cho ngân sách nhà nước... Thực tế đó đòi hỏi ngành chức năng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát việc bán hóa đơn lẻ; tăng chế tài để đủ sức răn đe.

Những năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cơ quan công an các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua đã có tới 162 trường hợp. Một trong những vụ điển hình xảy ra mới đây vào trung tuần tháng 3.2021, Cục Thuế TP Hà Nội cùng Công an thành phố và các lực lượng chức năng đã triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng số lượng lớn. Nhóm đối tượng có dấu hiệu sử dụng các công ty “ma” hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hoạt động với quy mô, tổ chức lớn, thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính. Kết quả xác định, nhóm đối tượng nêu trên đã thực hiện mua bán trái phép 48.629 hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy, tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn bước đầu được xác định là hơn 1.553 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là trên 155,3 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 5 đối tượng có hành vi cấu kết, sử dụng 28 công ty “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Từ các vụ việc, cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách về việc thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai, tự nộp thuế và tự in, phát hành hóa đơn, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp “ma” chỉ nhằm mua bán hóa đơn kiếm lời bất hợp pháp. Một thủ đoạn khác là đối tượng mua lại, thâu tóm các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sau đó thay đổi người đại diện pháp luật, trụ sở công ty, rồi thực hiện mua bán hóa đơn tại các doanh nghiệp này... Chính thủ đoạn câu kết phức tạp này, nên việc phát hiện và xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn, các đối tượng hoạt động trong thời gian rất dài nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Để góp phần ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường chỉ đạo tổ chức nhận dạng doanh nghiệp, nắm bắt hành vi, cách thức để lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện, xử lý; kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ, tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ thanh toán tiền từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế; đồng thời sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử nhằm tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời...

Rõ ràng các biện pháp trên khá đồng bộ, tuy nhiên thực tế cho thấy: việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn là vấn nạn đã tồn tại từ lâu, mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của doanh nghiệp, đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, trước hết các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp; đồng thời cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng đối với bất kỳ hình thức và quy mô vi phạm. Bởi theo quy định hiện hành, chế tài xử lý hình sự vẫn chỉ áp dụng đối với những vụ vi phạm có số tiền lớn.

Hải Thanh