Tận dụng cơ hội và quản trị dữ liệu lĩnh vực y tế

- Thứ Hai, 23/11/2020, 21:38 - Chia sẻ
Thời điểm hiện tại, làm thế nào để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mới phát triển theo đúng xu hướng và tiêu chuẩn quốc tế đang là vấn đề được đặc biệt chú trọng. Song, kết quả thu được đến nay vẫn chưa như kỳ vọng, mong đợi. Theo đó, hội thảo "Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế" vừa qua đã đề cập những nội dung quan trọng và phương hướng quản trị hiệu quả nguồn dữ liệu số y tế.

Gấp rút xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu số

Dữ liệu số y tế là hệ thống thông tin về sức khỏe được lưu trữ trực tuyến với sự trợ giúp của một ứng dụng hoặc dịch vụ cho phép cá nhân đó truy cập thông tin của mình ở bất cứ đâu bằng máy tính hoặc thiết bị di động. Công cụ này cũng giúp cá nhân, bệnh nhân chia sẻ thông tin của bản thân với bác sĩ, gia đình hoặc người liên lạc khẩn cấp.

Một hệ thống dữ liệu số y tế chuẩn sẽ dễ dàng được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn thông tin. Đồng thời, có thể đưa ra được mô hình cảnh báo dịch bệnh, quản trị chi tiêu, giám sát những tình hình bất thường, cũng như chủ động triển khai các dịch vụ mới phục vụ người dân. Các bác sĩ có thể truy cập để theo dõi toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ tuyến dưới, giúp đưa ra y lệnh chính xác hơn. Người dân cũng được hưởng dịch vụ với chất lượng cao hơn và trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Ngành Y tế cần sớm, nhanh trong việc chuẩn hóa dữ liệu để chia sẻ thông tin
Ngành Y tế cần sớm, nhanh trong việc chuẩn hóa dữ liệu để chia sẻ thông tin

Trưởng đơn vị kinh doanh Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp (DN) Viettel Khổng Văn Đông nhấn mạnh rằng chúng ta phải tích cực đẩy nhanh việc thực hiện hoàn thiện, bảo vệ dữ liệu số y tế đó, tiến tới kết nối, sử dụng để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Tiến lên một bước nữa, số hóa giúp ngành Y có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh nhân, lịch sử mắc bệnh để nhanh chóng có biện pháp điều trị tốt nhất. Có công cụ sẽ tầm soát được nhiều bệnh nguy hiểm, đỡ biến chứng, giảm nguy cơ tử vong, hỗ trợ chẩn đoán. Các máy móc hiện đại nhất trong điều trị bệnh đều lưu trữ dữ liệu về bệnh nhân, đây là IoT (Internet vạn vật). Còn blockchain sẽ giải quyết được vấn đề về minh bạch dữ liệu, bảo đảm hồ sơ bệnh án là chính xác, không bị sửa lại.

Song, trên thực tế, một thực trạng vẫn đang tồn tại trong hệ sinh thái dữ liệu đó là chưa phát huy được hiệu quả kết nối, chia sẻ, giữa các khu vực. Theo báo cáo Y tế, tính đến tháng 11.2020, chỉ có nhóm thông tin y tế của người bệnh là nhóm dữ liệu lớn nhất và đã được đưa vào khai thác có hiệu quả, còn hai nhóm còn lại chưa phát huy hiệu quả cao. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội quý báu để khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế của thị trường nội địa có quy mô xấp xỉ 23 tỷ USD do thiếu một chiến lược toàn diện và khung pháp lý rõ ràng về dữ liệu y tế số. Vì vậy, lợi ích của chuyển đổi số y tế dù vẫn lớn nhưng mới chỉ dừng lại trong giới hạn của cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ. Việc gấp rút xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu số y tế, đồng thời ban hành một đạo luật về dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư là điều quan trọng hơn hết vào lúc này.

Bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ NIDI, Nguyễn Đức Ninh, y tế nói chung vẫn còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, y tế tuyến cơ sở thôn, bản có khi còn chưa có mạng ổn định để kết nối. Để quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn với Ngành Y tế, cần nhiều hơn các chương trình hành động cụ thể, các thông tư, hướng dẫn, dự án, kinh phí… đồng thời cần phải có các cán bộ chuyên trách về CNTT có năng lực, xây dựng chính sách ưu tiên nhân sự, phân trách nhiệm, vai trò cụ thể cho người lãnh đạo.

Theo đó, Giám đốc Trung tâm Giải pháp điện tử VNPT Trần Anh cho biết rằng ngành Y tế cần sớm, nhanh việc chuẩn hóa dữ liệu để chia sẻ thông tin, cần các định hướng từ Chính phủ, cần có các mã định danh công dân. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để thực hiện hiệu quả việc số hóa dữ liệu ngành Y tế. Mặc dù chúng ta đã có Luật An ninh mạng, tuy nhiên, vẫn chưa có những quy định rõ ràng về việc chia sẻ dữ liệu cá nhân. Nếu chúng ta chờ luật ban hành có khi sẽ bị chậm, lỡ cơ hội. Nên chăng, vào lúc này cần có các hướng dẫn, quy định tạm thời, các văn bản dưới luật, để tận dụng lợi thế thực hiện việc chia sẻ dữ liệu nhanh hơn, an toàn hơn.

Ghi nhận, lắng nghe những đóng góp các đại biểu, Phó Cục trưởng Cục Công nghê thông tin (CNTT), Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam cũng cho biết, Bộ Y tế luôn tích cực, thực hiện, tiếp cận những hướng đi đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện chuyển đổi số của ngành, quốc gia, đồng thời mong muốn nhận được những chia sẻ, kinh nghiệm, tư vấn các đơn vị trong nước, nước ngoài nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách đúng, bảo đảm an toàn, hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu số y tế.

Thời gian qua, Bộ Y tế tích cực tăng cường, triển khai các văn bản chính sách, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các vấn đề an toàn thông tin các bộ tiêu chí trong bệnh viện, giúp các đơn vị y tế xác định được quy mô, mô hình để đầu tư CNTT phù hợp. Tăng cường phối hợp các ơn vị DN CNTT triển khai chuyển đổi số trạm y tế tại các địa phương. Đây là tuyến đầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, được áp dụng đăng ký trên phần mềm duy nhất để thu thập dữ liệu, thông tin. Đây cũng là mô hình phần mềm áp dụng sau này cho các tuyến quận, huyện, tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc áp dụng này đối với tuyến trên phải được thực hiện dần dần, từng phần, theo lộ trình, bởi lẽ khi áp dụng các ứng dụng CNTT ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, mà hoạt động đó diễn ra hàng ngày, hàng giờ liên tục.

Hiện tại, Bộ Y tế đang thiết lập hành lang pháp lý để bảo đảm tính bảo mật của thông tin cho người dân cùng với những quy định trong Luật An toàn thông tin mạng. Đặc biệt đối với vấn đề quản lý dữ liệu số y tế, Bộ Y tế chủ yếu tập trung vào vấn đề dân số, khám chữa bệnh, tiêm chủng, tai nạn thương tích, sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS, môi trường, điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử.

Hải Yến