Tầm nhìn của quy hoạch đất đai

- Thứ Năm, 28/10/2021, 06:15 - Chia sẻ
Cuối tuần này, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Đây là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ trong việc tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà đồng thời liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cũng chính vì tầm quan trọng của vấn đề này, với tinh thần “từ sớm, từ xa”, gần cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, nghe báo cáo về những nội dung lớn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới. Kết luận của cuộc họp đã được gửi rộng rãi tới thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Trước khi bàn chuyện tương lai, không thể không nhìn lại việc thực hiện quy hoạch giai đoạn trước. Theo báo cáo của Chính phủ, trong số các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định, có 14 chỉ tiêu thực hiện đạt trên 90%, 6 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 90%, 1 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 70% và 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Trong đó, Quốc hội cho phép điều chỉnh diện tích đất trồng lúa đến 2020 còn 3,76 triệu hecta, thực tế còn 3,91 triệu hecta; đất rừng phòng hộ cho phép chuyển đổi về diện tích 4,61 triệu hecta, thực tế còn 5,11 triệu hecta.

Bên cạnh đó, nhìn tổng thể thì diện tích đất rừng tăng nhưng rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá, suy giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ thiên nhiên của rừng. Người nông dân chưa thể sống với nghề trồng và bảo vệ rừng nên việc bảo vệ rừng rất khó khăn. Đất công nghiệp tăng nhanh nhưng việc quy hoạch và phân bố khu công nghiệp còn dàn trải, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, thi công chậm tiến độ, tỷ lệ lấp đầy thấp, để hoang hóa lãng phí nhiều năm. Đất giao thông chưa khai thác không gian ngầm và trên không; tỷ lệ quốc lộ và cao tốc trên tổng km đường bộ rất thấp, chỉ chiếm 7,26%. Đáng chú ý, nhóm đất chưa sử dụng chỉ tiêu đến năm 2020 khai thác đưa vào sử dụng 1.853 nghìn hecta cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp nhưng thực hiện đến năm 2020 đã khai thác sử dụng là 1.944 nghìn hecta - nghĩa là đã khai thác nhiều hơn so với quy hoạch đã được phê duyệt

Để thấy thực chất của vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm thì nguyên nhân đạt hay không đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao cần được đánh giá kỹ lưỡng. Đặc biệt, phải “soi chiếu” những hạn chế đã bộc lộ rất rõ như: Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn; việc quản lý quy hoạch chưa tốt dẫn đến tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có lúc có nơi còn tùy tiện, chạy theo lợi ích nhà đầu tư hay tình trạng quy hoạch treo, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây lãng phí nguồn lực…

Cùng với đó, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quy hoạch sử dụng đất, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tính đến. Ví dụ, có nên dành quỹ đất cho việc xây dựng các nhà máy, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, ưu tiên các nhà máy thiên về gia công như dệt may, giày da tại các vùng đông dân, để tạo việc làm cho người dân ngay tại địa phương, thực hiện hiệu quả chính sách “ly nông bất ly hương” hay không?

Đất đai được xem là một loại tài nguyên đặc biệt. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và là căn cứ quan trọng để các ngành, các tỉnh, thành phố triển khai. Vì thế, quy hoạch sử dụng đất vừa phải cụ thể để thực hiện, nhưng vừa phải bao quát, có tầm nhìn dài hạn để tạo không gian phát triển. Đồng thời, hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, các quy hoạch có liên quan; và phải gắn kết với phát triển kinh tế từ nguồn lực đất, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực cũng như lợi ích nhóm trong sử dụng đất.

Rút kinh nghiệm việc chậm trễ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 tại một số địa phương, ngay sau khi Nghị quyết Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Có như vậy, sự đồng bộ - từ việc định hướng chính sách, giám sát của Quốc hội, đến thực thi của cơ quan hành pháp mới tạo được hiệu quả trên thực tế cho vấn đề trọng yếu này.

Hà Lan