Sổ tay:

"Tấm hộ chiếu" khởi đầu cuộc đời

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:38 - Chia sẻ
“Trang mới cuộc đời (A new page life)” là tên của Dự án Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (MSD) thực hiện từ tháng 6.2019 - tháng 10.2020. Dự án nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Oxfam và Liên minh châu Âu tài trợ.

Một trong những mục tiêu của Dự án là nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về quyền được khai sinh của trẻ em; đồng thời kiến nghị sửa đổi chính sách và quy trình tư pháp thân thiện hỗ trợ thực hiện quyền được khai sinh cho mọi trẻ em; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, hỗ trợ có giấy khai sinh. Trong khuôn khổ dự án sẽ có 100 em trẻ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ có giấy khai sinh.

Hằng ngày, ở đâu đó xung quanh chúng ta, vẫn có những đứa trẻ tuy có tên, tuổi, nhưng lại không được ghi nhận sự tồn tại, bởi không có bất kì giấy tờ tùy thân hợp pháp nào. “Chiếc bóng” - có lẽ là hình ảnh chân thực nhất mô tả sự tồn tại của các em - những chiếc bóng biết đi, biết nói, biết khóc, biết cười, nhưng lại không bao giờ hiện hữu trong cuộc sống.

Và, đứa trẻ nào cũng nuôi dưỡng ước mơ về tương lai của riêng mình: mơ làm bác sĩ, kĩ sư, cô giáo… nhưng có những đứa trẻ không được đi học, khi ốm đau nhưng không có bảo hiểm y tế, gia đình không lo nổi chi phí nên không được đến bệnh viện… Tất cả vì không có giấy khai sinh. Thiếu giấy khai sinh, các em không thể đến trường, không được hưởng các chính sách bảo hiểm, y tế và các chính sách phúc lợi khác mà các em xứng đáng được hưởng.

Khảo sát thực tế cho thấy, có rất nhiều các nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau mà trẻ em không có giấy khai sinh: Bố mẹ không biết cách làm, quá nghèo, không biết chữ, chính bố mẹ cũng không có giấy tờ tùy thân, nhiều em mồ côi, trẻ khuyết tật, bố mẹ bỏ đi, không rõ nguồn gốc, trẻ đường phố… Trẻ em không thể tự làm giấy khai sinh, và nhiều gia đình, người thân cũng không biết cách, hoặc không thể hỗ trợ trẻ làm giấy khai sinh khi không đáp ứng những quy trình, giấy tờ thông thường được yêu cầu bởi cơ quan chức năng.

Quản lý MSD khu vực phía Nam Trương Bảo Trân chia sẻ, nhiều gia đình nhập cư khó khăn không hề để ý đến chuyện làm giấy tờ cho con cái nên lớn lên các em gặp rất nhiều thiệt thòi. Các em không thể đến trường mà phải học lớp tình thương, bệnh tật không có bảo hiểm y tế, rồi lớn không biết cách nào làm giấy chứng minh, mất cơ hội nghề nghiệp và tạo lập cuộc sống… Hỗ trợ làm giấy khai sinh cho các em, nghe thì thấy đơn giản vậy nhưng thực tế là mở ra một trang đời mới cho những đứa trẻ thiệt thòi này.

 Theo quy định, quyền có giấy tờ tùy thân, bao gồm giấy khai sinh là một trong những quyền cơ bản của mỗi công dân. Có giấy tờ tùy thân góp phần vào việc bảo đảm các quyền con người. Quyền này không tách rời và cũng không thể “đứng riêng với các nhóm quyền khác của con người". Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, khiến việc tiếp cận quyền của các em, nhất là nhóm gia đình di cư gặp trở ngại. 100 trẻ em hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ làm giấy khai sinh là một con số nhỏ bé, nhưng nó mang một thông điệp lớn trong tiến trình xây dựng nền tư pháp thân thiện để mọi trẻ em đều bảo đảm được quyền cơ bản của công dân.

Phạm Hải