Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2021)

Tấm di ảnh của một liệt sĩ cựu sinh viên Tổng hợp

- Thứ Tư, 22/12/2021, 07:01 - Chia sẻ
Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay cũng là ngày khánh thành Đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc, dựng tại Khoa Tự nhiên cũ (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), đúng vị trí mà cố Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum từng đứng trước hàng quân dặn dò, động viên cán bộ, sinh viên lên đường nhập ngũ…
	Đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc - Nguồn: http://hus.vnu.edu.vn/
Đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc
Nguồn: http://hus.vnu.edu.vn/

Tháng 9.1971, đêm trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi từ quê lúa Thái Bình và bạn tôi Lê Văn Doan từ Thanh Hóa, vượt hàng trăm cây số mưa lũ để kịp dự hội lớp G1K15, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chia tay 10 người chúng tôi “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”. Buổi chia tay kết thúc, mọi người tản đi thăm người thân tại Hà Nội, hai chúng tôi trở về phòng ngủ. Đêm nay hai chúng tôi ngủ cùng nhau. Trên giường chẳng có gì ngoài mấy quyển sách mà sẽ theo chúng tôi trên chặng đường hành quân sau này.

Doan kể cho tôi về hoàn cảnh gia đình, bố mẹ làm nghề nông, nhà đông anh em, Doan là anh cả nên mọi việc lớn nhỏ phải san sẻ cùng cha mẹ. Ước mơ lớn nhất của Doan là được vào Đại học, vừa làm gương cho các em vừa để sau này tạo lập kinh tế giúp gia đình vượt qua khó khăn. Chúng tôi tặng nhau tấm hình của mình, mặt sau ghi dòng kỷ niệm họ tên và quê hương.

Sáng sớm ngày 6.9.1971, chúng tôi ra ga Thanh Xuân đi tàu điện lên Khoa Tự nhiên ở Thượng Đình dự lễ xuất quân. 400 sinh viên tân binh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và hàng nghìn người thân đến chia tay đã có mặt. Tiếng gọi nhau í ới, những ánh mắt, nụ cười và cả những cánh tay vẫy vẫy. Tiếng loa vang lên, lệnh tập trung vào hàng ngũ theo từng đơn vị nhận quân thúc giục mọi người khẩn trương. Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum căn dặn đoàn chiến binh ra đi giữ vững lời thề quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhà trường luôn sẵn sàng đón nhận lính sinh viên hoàn thành nghĩa vụ trở lại trường tiếp tục học tập.

Kể từ đấy, tôi và Doan xa nhau. Tôi theo đơn vị Công an vũ trang lên thị xã Sơn Tây huấn luyện, còn bạn theo binh đoàn quân đội về đơn vị huấn luyện tân binh rồi vào miền Nam chiến đấu.

Ngày 6.9.1976, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, tôi cùng một số bạn cựu sinh viên lớp G1K15 đang đào tạo tại Trường Sĩ quan Công an vũ trang được chuyển ngành về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiếp tục sự nghiệp học tập. Cùng thời gian đó, Khóa 21 khoa Lịch sử (1976 - 1980) tựu trường. Một lần đang ngồi trò chuyện, có bạn nam đến chào tôi và hỏi: “Anh là Đặng Ngọc Hoan, quê Đông Hưng, Thái Bình ạ”? Tôi gật đầu hỏi: “Có việc gì đấy em?” Cậu ngồi xuống cạnh tôi, trình bày: “Em là... em trai anh Doan”. Tôi vội hỏi, Doan bây giờ ở đâu, đã 5 năm bạn bè không có tin tức gì.

- Thưa anh, chuyện dài lắm. Anh Doan đã hy sinh năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị. Bố mẹ em đón nhận tin dữ bằng tờ giấy báo tử của đơn vị gửi về. Gia đình em không có bức ảnh nào của anh Doan, chỉ còn hy vọng mong manh là dựa vào địa chỉ sau bức ảnh anh tặng anh trai em lúc hai người chia tay khi nhập ngũ để qua đó tìm được bức ảnh của anh Doan năm xưa làm di ảnh đặt trên ban thờ. Vật đổi sao dời, linh hồn anh Doan chỉ lối dẫn đường cho em hôm nay gặp được anh tại đây...

Tôi bàng hoàng. Doan có tặng tôi tấm ảnh chụp nghiêng, đôi mắt dài, khuôn mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa. Nhưng chiến tranh mọi thứ đều thất lạc, tôi không biết bức ảnh ở đâu.

Tuần sau tôi đến thăm anh trai, khi ấy đang công tác tại Bộ Ngoại thương, kể lại về tấm ảnh của bạn tôi. Suy nghĩ hồi lâu, anh nói: “Sau khi em vào tuyến lửa, toàn bộ kỷ vật của em, mẹ cất trong một ống nứa để trên gác nhà, tới đây anh về sẽ tìm xem có tấm hình đó không”. Đúng hẹn, anh đến thăm và đưa tôi tấm ảnh của Lê Văn Doan. Tôi phấn khởi quá, gặp ngay cậu em Doan trao lại tấm di ảnh đó để gia đình phóng làm ảnh thờ.

Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay cũng là ngày khánh thành Đài kỷ niệm sự kiện cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc, dựng tại Khoa Tự nhiên cũ (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), đúng vị trí mà cố Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum từng đứng trước hàng quân dặn dò, động viên cán bộ, sinh viên lên đường nhập ngũ.

Hơn 1.000 lính 6971 đã hy sinh trên các mặt trận chống Mỹ, từ nay những linh hồn mãi mãi tuổi hai mươi có chốn đi về dự Hội trường. Chắc chắn trong số đó có linh hồn của 5 liệt sĩ lớp G1K15: Lê Văn Doan, Nguyễn Xuân Toản, Trần Anh Tuấn, Phan Sỹ Tài, Nguyễn Văn Tâm. Gia đình các liệt sĩ và đồng đội lớp G1K15 ngày ấy đã góp những giọt dầu, nén tâm nhang để đón các anh về hội tụ tại Đài kỷ niệm.

Đặng Ngọc Hoan