Tản mạn

Tấm ảnh hạnh phúc

- Thứ Ba, 16/11/2021, 05:36 - Chia sẻ
"Faith and confidence” được coi là một trong những tấm ảnh để đời của thế kỷ XX và khiến cho Beall, từng là một phóng viên ảnh chiến tranh, được nhắc đến mãi.

Có những tấm ảnh đem lại năng lượng tích cực cho mọi người bởi nó lan tỏa niềm vui. Đấy chính là những tấm ảnh hạnh phúc. Tấm ảnh đen trắng được nhắc đến ở đây cũng thế, chụp cách đây hơn nửa thế kỷ. Nó mô tả một người cảnh sát đang cúi xuống nói chuyện với một cậu bé, mặt ngẩng lên như đang lắng nghe hoặc dò hỏi điều gì đó, trên một phố đông người lại qua.

Tháng 9.1957, phóng viên ảnh William C. Beall được nhật báo địa phương Washington Daily News cử đến chụp một lễ hội của người gốc Trung Quốc ở khu Chinatown của thủ đô Washington DC. Nhưng thay vì một phóng sự ảnh về không khí của ngày lễ mà Beall có chụp, Washington Daily News đã đăng bức ảnh này lên trang nhất của tờ báo, và sau đó, nó được tạp chí ảnh uy tín Life cùng nhiều tờ báo khác đăng tải lại, trở nên nổi tiếng. Beall thậm chí đã được trao giải Pulitzer năm 1958, giải thưởng danh giá nhất của báo chí Mỹ cho hạng mục ảnh, với nhận xét bức ảnh đã đem đến những ấn tượng sâu sắc cho độc giả.

Bức ảnh được chụp khi Beall trông thấy một sĩ quan cảnh sát tiến đến gần một cậu bé và trò chuyện. Hôm ấy, khi đoàn múa lân đang diễu qua một con phố rất đông người, bỗng viên cảnh sát 25 tuổi Maurice Cullinane thấy cậu bé 2 tuổi Allan Weaver bước ra từ những người đứng xem, có vẻ như muốn tiến gần hơn những con lân hoặc như đang muốn sang đường mà không có bố mẹ đi kèm. Cullinane chặn cậu bé lại, dặn dò cậu đừng làm thế, kẻo bị đoàn múa lân giẫm phải. Cuộc trò chuyện ngắn ấy được Beall ghi lại ngay trong ống kính, với gương mặt ngây thơ của đứa trẻ, với sự ân cần và nhẹ nhàng của người cảnh sát.

William C. Beall đã đặt tên cho bức ảnh ấy là “Faith and confidence” (tạm dịch: “Sự tin tưởng và niềm tin”). Sự tin tưởng, bởi cả hai nhân vật trong bức ảnh đều tin tưởng lẫn nhau, niềm tin là bởi người cảnh sát tin rằng anh sẽ thuyết phục được cậu bé; còn trước đó, cậu bé cũng đã tin rằng mình có thể sang đường mà không gặp vấn đề gì. Nhưng dường như định mệnh đã đưa người cảnh sát đến trước cậu và trước khi đưa cậu vào nơi an toàn hơn, đã nói chuyện với cậu một cách rất kiên nhẫn, nhưng cũng rất vui vẻ.

Đấy là một bức ảnh xuất sắc, khi Beall quyết định chụp đen trắng thay vì chụp phim màu. Nhờ thế mà những nét tương phản và thể hiện tình cảm của các nhân vật trong bức ảnh trở nên bất tử, và đó là một trong những tác phẩm hiếm hoi được giải Pulitzer không mang tính thời sự về bạo lực, về nỗi thống khổ của con người, một sự kiện có ảnh hưởng đến nước Mỹ hoặc nhân loại, hoặc thể hiện một khía cạnh nào đó của chiến tranh.

"Faith and confidence” được coi là một trong những tấm ảnh để đời của thế kỷ XX và khiến cho Beall, từng là một phóng viên ảnh chiến tranh, được nhắc đến mãi. Hai bức tượng to bằng người thật dựa trên bức ảnh được đặt trước tòa án thành phố Jonesboro, bang Georgia, còn những nhân vật của bức ảnh cũng có những cuộc đời viên mãn. Cullinane, khi xuất hiện trong tấm ảnh này, mới vào cảnh sát được một năm và sau đó, ông trở thành cảnh sát trưởng của thủ đô Washington DC vào năm 1974, còn cậu bé Weaver sau này làm việc trong ngành điện ảnh, thậm chí đã từng có thời gian làm trợ lý cho đạo diễn nổi tiếng Orson Welles.

Beall qua đời năm 1994 ở tuổi 83…

Anh Ngọc