Tài sản ở nhiều nơi, thu hồi thế nào?

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:55 - Chia sẻ
Khoản 1, Điều 57, Luật Thi hành án dân sự, quy định: Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành cơ chế ủy thác thi hành án.

Quy định này, đã bó tay các cơ quan thi hành án dân sự ở hầu khắp địa  phương, nhất là việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, hoặc các  đại án tham nhũng - kinh tế. Vì, chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời tại các địa phương khác nhau.

Quá trình thi hành án dân sự liên quan đến án tham nhũng, tín dụng ngân hàng cho thấy: không hiếm bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa hàng trăm tài sản để bảo đảm thi hành án; tài sản phải xử lý thi hành án nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trên địa bàn cả nước; nguồn gốc liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng phức tạp, thậm chí có tranh chấp với người thứ ba…; đặc biệt số lượng tài sản kê biên, phong tỏa, bảo đảm thi hành án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện.

Chẳng hạn liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) có 23 loại  tài  sản  cần thi hành án tuy nhiên các loại tài sản này đan xen về quyền sở hữu và nằm rải rác ở nhiều địa phương; hoặc  cùng địa phương nhưng lại khác địa bàn. Các đại án khác như Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn... đều rơi vào tình trạng tương tự.

Với quy định tại  Khoản  1, Điều  57, Luật  Thi  hành  án  dân sự, thì: để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành. Hiện, cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định, kể cả việc thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự.

Điều này đã gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án (thời gian xử lý một tài sản bằng tổng thời gian xử lý tài sản ở tất cả các địa phương), chậm thu hồi tiền, tài sản (nhất là khoản thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng); quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án không được bảo đảm kịp thời; giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản; tốn kém thời gian; phát sinh chi phí tổ chức thi hành án, phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu, chưa kể làm tăng thủ tục, chậm cải cách hành chính trong thi hành án dân sự.

Khắc  phục  vướng  mắc  này, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng cơ quan thi hành án dân sự được ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi.

Đình Khoa