Pháp luật và chính sách các nước về tài sản nhà nước

Tài sản nhà nước là gì?

- Chủ Nhật, 28/05/2017, 08:08 - Chia sẻ
Tại hầu hết các quốc gia, tài sản nhà nước là yếu tố, nguồn lực quan trọng để tiến hành các hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, việc xác định thế nào là tài sản công là cơ sở để đưa ra các quy định quản lý phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản. Khái niệm “tài sản nhà nước” được hiểu và được phân chia theo nhiều cách khác nhau phù hợp với luật pháp và hệ thống hành chính của nước đó. Tuy nhiên, có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là chủ sở hữu lớn nhất đối với của cải của các quốc gia không phải là các doanh nghiệp tư nhân hay các cá nhân giàu có, mà là các Chính phủ.

Ở Trung Quốc, tài sản nhà nước được xác định là toàn bộ các tài sản và quyền tài sản mà nhà nước sở hữu (bao gồm tất cả các khoản đầu tư và các quá trình liên quan, chiếm đoạt, tài trợ, thế chấp…). Theo đó, tài sản nhà nước ở các tổ chức công và đơn vị hành chính là toàn bộ các loại nguồn lực kinh tế thuộc quyền sở hữu hợp pháp của nhà nước, được kiểm soát và sử dụng bởi đơn vị hành chính và các tổ chức công, và có thể đo lường theo giá trị tiền. Định nghĩa này chỉ ra ba đặc điểm của tài sản nhà nước tại đơn vị hành chính và tổ chức công. Thứ nhất, tài sản được xem như là nguồn lực kinh tế, cung cấp nền tảng vật chất cho các đơn vị hành chính và các tổ chức để cung cấp các dịch vụ công cộng. Thứ hai, các tài sản này có giá trị quy đổi bằng tiền. Thứ ba là tài sản được kiểm soát và sử dụng bởi một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức không hoạt động theo vốn doanh nghiệp.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), tài sản quốc gia được xác định là những tài sản mà Nhà nước căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc dựa vào quyền lực của mình để sử dụng hoặc bỏ tiền mua hoặc do hiến tặng mà có. Những gì không thuộc sở hữu tư nhân hoặc sở hữu địa phương, trừ khi pháp luật có quy định khác, đều được coi là tài sản quốc gia.

Indonesia chia tài sản công thành 3 nhóm: Tài sản cố định, tài sản tồn kho và tài sản khác tại các cơ quan công quyền của Chính phủ; tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, sử dụng; tài sản nhà nước đưa đi góp vốn, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước.

Pháp lại chia tài sản công thành hai nhóm gồm tài sản chung và tài sản riêng. Tài sản chung là những bất động sản sử dụng chung cho công chúng gồm: Các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường bộ, đường sắt, đường tàu điện ngầm, các nhà ga, sân bay…các công trình kết cấu hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện công, viện bảo tàng, di tích lịch sử… Còn tài sản riêng (tài sản hành chính) là những tài sản chỉ dành cho một chủ thể sử dụng trực tiếp phục vụ hoạt động của mình, gồm bất động sản, động sản.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, tài sản quốc gia bao gồm bất động sản và động sản, được chia thành 2 loại: Tài sản liên quan đến quản lý được sử dụng tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước gồm tài sản dùng cho công tác quản lý như trụ sở làm việc, máy móc thiết bị…, tài sản công cộng; tài sản hoàng cung; tài sản tại doanh nghiệp nhà nước; và tài sản không liên quan đến quản lý là tài sản không có nhu cầu sử dụng, cần phải xử lý (bán). 

Thư Liễu