Tái cơ cấu vì ai?

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 05:31 - Chia sẻ
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, được Quốc hội thảo luận sáng nay, cần đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp kéo dài và nhiều yếu tố bất định đang đón đợi phía trước.

Virus Sars-CoV-2 và các biến thể của nó đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế nặng nề nhất kể từ đại suy thoái năm 1930. Ảnh hưởng của dịch bệnh tới nước ta là vô cùng sâu rộng, nghiêm trọng và sẽ để lại "di chứng" trong thời gian dài. Trong khi đó, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 không hoàn thành 5/22 mục tiêu. Đáng nói, đây đều là những mục tiêu quan trọng, liên quan đến khu vực công như doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Nhiệm vụ cơ cấu lại 3 trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) cũng không hoàn thành mục tiêu Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết 24/2016/QH14, đó là phải xong trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác. Bởi vậy, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế cho đến nay vẫn là vấn đề lớn.

Thực tế ấy đòi hỏi tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới phải có những giải pháp phù hợp để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Kế hoạch này một mặt không thể tách rời chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19 và chiến lược phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; mặt khác phải gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Trên nghị trường hôm nay, các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ phân tích, làm rõ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới cần đặt mục tiêu như thế nào cho phù hợp với thực tế, không “nhiều tham vọng”, “quá tầm với” như 5 năm qua. Hành trình này phải bắt đầu từ đâu, tiến hành thế nào, sử dụng nguồn lực ra sao để khỏi rơi vào quán tính cũ và tránh được lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện. 

Mục tiêu sau cùng của cơ cấu lại nền kinh tế là phải đem lại chất lượng sống, sự phồn thịnh, hạnh phúc cho người dân và bảo đảm đa số người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Nói cách khác, việc đổi mới mô hình tăng trưởng hay quá trình tái cấu trúc nền kinh tế ở nước ta phải lấy con người làm trọng tâm, là mục đích sau cùng.

Ví dụ, theo tinh thần đó, cơ cấu lại đầu tư công phải hướng đến những công trình phục vụ thiết thực cho cuộc sống người dân thay vì những dự án hoành tráng nhưng không hiệu quả. Các công trình cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài... dù có mức chi tiêu đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng khó có thể nói là tạo ra cơ hội phát triển kinh tế hay nâng cao mức sống của người dân địa phương. Quyết định xây dựng sân bay hay bến cảng ở một địa phương nào đó đừng dựa vào tư duy nhiệm kỳ hay mong muốn có sân bay cho bằng tỉnh này, tỉnh khác. Thay vào đó, phải xem xét công trình sân bay, cảng biển này có thực sự phục vụ cho đời sống dân sinh ở địa phương không, tạo ra công ăn việc làm thế nào? Bản thân công trình, dự án liệu có trở thành gánh nặng mà sau này người dân phải trả bằng tiền thuế hay không? 

Mọi nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới phải nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Mục tiêu sau cùng này cần được phổ biến rộng rãi đến người dân để tạo sự đồng thuận trước những chuyển biến lớn của nền kinh tế.

Quang Khánh