Tái cơ cấu gắn với các sản phẩm chủ lực

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:59 - Chia sẻ
Là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dễ bị hạn, mặn xâm nhập, nhiều năm qua Sóc Trăng đã nỗ lực tìm hướng hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án.

Phát huy thế mạnh lúa gạo đặc sản

Là quê hương của giống lúa cho ra gạo ngon nhất thế giới, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhanh chóng phát huy lợi thế, chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST, theo đó, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại được mở rộng, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và canh tác bền vững ngày càng được đẩy mạnh. Sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản tăng từ 41,95% năm 2016 lên 52,1% vào năm 2020.

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm cây lúa, hành tím Vĩnh Châu, cây ăn trái, bò thịt, bò sữa, gia cầm, tôm nước lợ, tôm càng xanh, Artimia làm cơ sở tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Theo đó, đối với cây lúa, Sóc Trăng tập trung thúc đẩy sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST. Nếu tổng diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt khoảng 338.000ha thì đã có gần 180.000ha diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm các loại. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, có hơn 20.000ha đất lúa và hơn 2.700ha đất mía được các địa phương chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa cho giá trị kinh tế hơn. Việc chuyển đổi cây màu trên đất lúa như dưa hấu, bắp, sen và các loại cây khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lợi nhuận thu được từ trồng màu trên 1ha đất sản xuất từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái cho thu nhập từ 100 - 230 triệu đồng/ha. Hiệu quả chuyển đổi đất lúa kết hợp với nuôi thủy sản từ mô hình nuôi cá đăng quầng cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, sau 6 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đã chuyển hàng ngàn héc ta đất sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh cũng đang chuyển dần từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh, quản lý môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong kế hoạch tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Sóc Trăng lựa chọn dòng lúa ST là một trong những sản phẩm chủ lực

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Qua đánh giá tổng kết thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, rút kinh nghiệm từ những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được trong thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ gắn liền với xây dựng nông thôn mới, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh,  sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm thực tế các địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ, tới đây tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, hình thành vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh sẽ chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, phát triển mạnh các mô hình, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng nông sản. Về chăn nuôi, tỉnh sẽ dạng hóa loài vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với chuỗi giá trị, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh. Tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản.

Vũ Châu