Quý 4 báo lỗ, công ty dịch vụ du lịch vẫn lạc quan trong năm 2023

- Chủ Nhật, 29/01/2023, 08:01 - Chia sẻ

Tiền và tương đương tiền của TCT giảm từ mức 42 tỷ vào đầu năm 2022 về mức 1,9 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này vì hồi đầu năm, TCT ghi nhận có hơn 41 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ba tháng nhưng đến cuối năm không còn ghi nhận khoản này trong báo cáo tài chính.

Dữ liệu tài chính quý 4.2022 vừa công bố thể hiện, Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (Mã chứng khoán: TCT) có doanh thu đạt mức gần 4,6 tỷ đồng cao gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, dù doanh thu tăng mạnh nhưng trong kỳ TCT lại ghi nhận giá vốn bán hàng đạt mức hơn 9,7 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới TCT ghi nhận khoản lỗ gộp hơn 5,1 tỷ đồng.

Quý 4 báo lỗ, công ty dịch vụ du lịch vẫn lạc quan trong năm 2023 -0

Đặc biệt, trong kỳ Công ty ghi nhận nguồn thu từ hoạt động tài chính trên 6 tỷ đồng, đây thực sự có thể coi là “nguồn sống” đối với TCT (cả năm 2022 mang về tới 23 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản chi phí bán hàng trong quý 4.2022 cũng bám sát, tiêu tốn của TCT tới gần 5,4 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 3,7 tỷ đồng, kết thúc chuỗi 3 quý có lãi trước đó. Điều này cũng không quá bất ngờ vì thời điểm quý 4 hằng năm thường quãng thời gian lượng khách hoạt động du lịch tại núi Bà Đen trùng xuống. Bởi vậy, vào quý 4.2021, TCT cũng ghi nhận khoản lỗ 4,9 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, thời điểm ngày cuối tháng 12.2022, Cáp treo Núi Bà Tây Ninh có tổng tài sản đạt hơn 342 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là phải thu về cho vay ngắn hạn 276 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Đây là các khoản cho vay các đối tác doanh nghiệp kỳ hạn 6 tháng, lãi suất từ 7-8,3%/năm.

Đáng chú ý, khoản tiền và tương đương tiền của TCT giảm đột biến từ mức 42 tỷ vào đầu năm 2022 về mức 1,9 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này vì hồi đầu năm 2022, TCT ghi nhận có hơn 41 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ba tháng nhưng đến cuối năm không còn ghi nhận khoản này trong báo cáo tài chính.

Giá trị hàng tồn kho của TCT tăng mạnh từ mức 871 triệu hồi đầu năm lên tới hơn 5,6 tỷ đồng thời điểm cuối năm. Theo giải trình của TCT, chủ yếu là các nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ trong kho.

Theo thông tin được công bố, Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh tiền thân là bộ phận Cáp treo trực thuộc Công ty Du lịch Tây Ninh

Bộ phận cáp treo chính thức đi vào hoạt động ngày 8.3.1998 với chức năng kinh doanh chủ yếu là vận chuyển du khách, hàng hóa từ chân núi lên Chùa Bà bằng cáp treo và ngược lại.

Tổng số lao động của bộ phận Cáp treo lúc đó là 47 người. Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, bộ phận Cáp treo có doanh thu tăng nhanh, đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Trước sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ cung cấp cũng như yêu cầu của việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho bộ phận Cáp treo, lãnh đạo Công ty Du lịch Tây Ninh quyết định tách bộ phận Cáp treo để thành lập một đơn vị độc lập dưới hình thức Công ty cổ phần trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Ngày 10.1.2001 bộ phận Cáp treo của Công ty Du lịch Tây Ninh chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh theo Quyết định số 15/QĐ-CT của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh với vốn điều lệ là 15.985.000.000 đồng trong đó phần vốn Nhà nước là 8.152.600.000 đồng, chiếm 51%. Việc chuyển sang hình thức Công ty cổ phần là một bước ngoặt lớn trong quá trình hình thành và phát triển của Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh.

Gia Hân
#