Những triệu phú đi lên từ dòng vốn Agribank

- Thứ Ba, 28/06/2022, 05:30 - Chia sẻ

Là nhà đầu tư tín dụng lớn nhất với hơn 70% thị phần vốn dành cho khu vực tam nông, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã phủ sóng khắp mọi miền đất nước; giúp người nông dân gia tăng giá trị nông sản. Trong số đó, nhiều người từ tay trắng đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ mạnh dạn sử dụng nguồn vốn của Agribank.

Gây dựng thương hiệu

“Không có nguồn vốn của Agribank thì chúng tôi đâu dám làm lớn, đâu dám mở rộng diện tích và đâu có cuộc sống ổn định hôm nay cùng với thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được khẳng định!” - nông dân Mai Văn Khang, ở thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa bắt đầu câu chuyện.

Tỷ phú sầu riêng Mai Văn Khang, ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa.( Ảnh: K. Đình)
Tỷ phú sầu riêng Mai Văn Khang, ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Ảnh: K. Đình

Năm 2007, ông Khang bắt đầu chuyển từ Lâm Đồng xuống huyện Khánh Sơn để lập nghiệp. Thấy người dân ở đây đang phất lên nhờ trồng sầu riêng, ông Khang cũng mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2ha đất trồng cà phê sang trồng sầu riêng. Cùng thời điểm đó, Agribank huyện Khánh Sơn đang hỗ trợ nông dân phát triển mô hình này và gia đình ông Khang được vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng sầu riêng. Do mới vào nghề, cả gia đình ông Khang không dám lơ là một giây phút nào, toàn bộ sức lực dành hết cho loại cây trồng khá khó tính. Chỉ khoảng 5 năm sau, 2ha sầu riêng đã cho vụ thu hoạch đầu tiên trên 4 tấn quả.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của loại trái cây này vẫn rất lớn nên năm 2014 - 2016 gia đình tiếp tục mua đất và vay vốn 1 tỷ đồng từ Agribank Khánh Sơn để mở rộng diện tích và chuyển đổi sang trồng theo quy trình VietGAP. Sản phẩm sầu riêng chất lượng cao của gia đình ông Khang vừa ngon lại vừa đẹp nên được thị trường ưa chuộng. Năm 2020, với diện tích 10ha sầu riêng gia đình tôi thu hoạch 40 tấn, giá bán 48.000 đồng/kg thu nhập hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng” - ông Khang phấn khởi khoe.

Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống người dân cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng, nhưng gia đình ông Khang vẫn xuất bán được 57 tấn, giá bán 42.000 đồng/kg, thu nhập gần 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 2 tỷ đồng và dự kiến trong năm nay sản lượng sẽ gấp đôi so với mọi năm.

Về Quảng Trị, mảnh đất đầy vết thương bom đạn ngày nào, nay đã hồi sinh mạnh mẽ với nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình. Kết quả ấy là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó người nông dân với sự hỗ trợ của nguồn vốn Agribank là yếu tố chính, làm nên những thương hiệu cho sản vật quê hương. Đơn cử như Cam K4 - thương hiệu nổi tiếng của nông dân ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là một ví dụ. Bà con đã dày công canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ trồng cam K4, nhiều hộ dân đã trở thành triệu phú.

Những trái cây đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng cả nước, thậm chí là các mặt hàng nông nghiệp được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Cà phê (Tây Nguyên), Xoài, Nhãn (Sơn La)… đều có sự hỗ trợ của Agribank. Nguồn vốn không chỉ giúp nông dân làm giàu mà còn cùng ngành nông nghiệp và các địa phương tạo nên những thương hiệu cho sản vật vùng miền và sinh ra những tỷ phú “chân đất”…

Cam kết là nhà đầu tư lớn nhất

Đại diện lãnh đạo Agribank huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đầu năm 2022 trên địa bàn Khánh Sơn nói chung và tình hình sản xuất nông nghiệp nói riêng tương đối ổn định. Sự thay đổi cơ cấu cây trồng như tăng diện tích trồng mới cây sầu riêng và một số cây ăn quả khác đã giúp ổn định đời sống cho bà con.

Tổng dư nợ luân chuyển đến 31.12.2021 của chi nhánh đạt 134,7 đồng. Chi nhánh đã tích cực triển khai thực hiện đầu tư cho vay theo đối tượng cho vay kinh tế trang trại, hộ nông dân sản xuất giỏi, làm ăn có hiệu quả; tổ chức tuyên truyền cho vay theo các nghị định của Chính phủ và ngân hàng cấp trên; tiến hành đầu tư tín dụng theo từng đặc điểm của kinh tế vùng, xã về cây, con…. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết quả dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng gần như 100% tổng dư nợ.

Tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cũng vậy, Agribank Hải Lăng luôn đồng hành với người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tam nông. Ở Hải Lăng, mỗi cán bộ Ngân hàng Agribank phải quản lý từ 800 - 1.000 hộ vay vốn. Công việc khá vất vả nhưng các cán bộ Agribank luôn cố gắng hết mình với tâm thế tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Điều này được đại diện lãnh đạo huyện Hải Lăng khẳng định, Ngân hàng Agribank không chỉ tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng mà còn đồng hành cùng huyện trong các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ thêm về hoạt động của Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank luôn đặt khu vực Tam nông là địa bàn chiến lược của mình. Điều đó được thể hiện rõ ở tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn chiếm 70% tổng dư nợ. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt khoảng 4,5%. Đặc thù của ngân hàng Agribank là tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn nên tăng trưởng tín dụng thông thường sẽ đạt cao hơn vào thời điểm cuối năm, tức trong quý 3, quý 4. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 4,5%. So với toàn ngành thì đây không phải là mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, so với con số tăng trưởng cùng kỳ năm trước của ngân hàng thì tốc độ đã tăng gần gấp đôi.

Đức Kiên