Tản mạn

Tác quyền

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:24 - Chia sẻ
Hậu hiện đại cho phép anh ''chiếm đoạt'' một tác phẩm khác, thậm chí phá hủy nó nhưng thông điệp và ý tưởng nghệ thuật phải rõ ràng.

Việc sử dụng lại một tác phẩm khác khi sáng tác nghệ thuật hậu hiện đại không hiếm, nó là kẽ hở cho rất nhiều nghệ sĩ nghiệp dư ở châu Á sống và làm việc. Mặc dù vậy, một số sao chép của triển lãm ''Plus by..." (vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh - BTV) sẽ bị coi là có vấn đề về tác quyền mà khó có lời bào chữa nào, nếu ta nhìn vào ví dụ nhỏ dưới đây. 

Khi Ai Wei Wei thực hiện tác phẩm ''Đánh rơi chiếc bình thời Hán'', ông đã thả rơi chiếc bình 2.000 năm tuổi có giá trị hàng triệu USD. Sự ''sáng tác'' này không thể tồn tại trước hậu hiện đại nhưng được thừa nhận như một sáng tác kinh điển hậu hiện đại. Sáng tác này đã phá hủy một tác phẩm là hiện vật lịch sử (chính là chiếc bình) nhưng thông điệp mà nó mang tới, ý thức nghệ thuật mà nó đem đến có giá trị hơn vật thể ban đầu. Nó đã trình bày hiện vật lịch sử theo một cách mà phương pháp bảo quản truyền thống không thể phơi bày ra được.

Bên cạnh đó, tác phẩm ''Đánh rơi chiếc bình thời Hán'' còn truyền đi thông điệp chỉ trích văn hóa tiêu dùng đối với các hiện vật lịch sử vốn được mua đi bán lại như mặt hàng xa xỉ. Thông điệp chính trị xã hội là thứ không thể thiếu trong tác phẩm hậu hiện đại. Do đó, ''Đánh rơi chiếc bình thời Hán'' là nghệ thuật, nhưng nếu sau đó, có người làm một tác phẩm kiểu như ''đánh rơi chiếc lược ngọc thời Minh'' thì sẽ không được coi là nghệ thuật nữa.

Ở trường hợp ''Plus by...", tôi đã xem một số ảnh hiện trường trưng bày, có thể nhận ra rằng, nó cũng giống khi anh thực hiện một thứ như ''đập vỡ lu nước đời Tống" nếu đặt trong so sánh với tác phẩm gốc của nghệ sĩ nước ngoài. Nó chỉ có tồn tại biểu hiện của nghệ thuật chứ không có ý tưởng nghệ thuật - điều mà luật tác quyền của nghệ thuật hậu hiện đại nhắm tới. 

Hậu hiện đại cho phép anh ''chiếm đoạt'' một tác phẩm khác, thậm chí phá hủy nó, nhưng thông điệp và ý tưởng nghệ thuật phải rõ ràng. Mặc dù hậu hiện đại đã tạo ra rất nhiều loại nghệ sĩ tự phong, lười suy nghĩ, lười lao động, chỉ dựa vào các kẽ hở giữa biểu hiện nghệ thuật và ý tưởng nghệ thuật để thực hành, tuy nhiên nghệ thuật thực sự không làm chúng ta thấy gượng ép.

Bản thân nghệ sĩ hậu hiện đại cũng thường phải tự vấn xem ý tưởng nghệ thuật của mình đã rõ ràng chưa, đã độc nhất chưa, đủ để gọi là tác phẩm nghệ thuật hay chưa, nhất là khi sáng tác ấy được xây dựng trên nền một tác phẩm khác. 

Nếu như vấn đề tranh chấp dẫn tới một vụ kiện tác quyền, gần như chắc chắn triển lãm trên sẽ thua, bởi vì như đã nói, luật tác quyền hậu hiện đại cho tác giả gốc quyền sở hữu lên tác phẩm của họ, đó là khía cạnh sở hữu kinh tế. Biểu hiện nghệ thuật là thứ nhạy cảm, nhưng một khi đã là kinh tế, nó lại phải rạch ròi.

Lê Quang (từ Berlin)