Dù công nghiệp văn hóa không phải vấn đề mới trên thế giới, và ngay ở Việt Nam, quan điểm và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã được triển khai khoảng 10 năm nay, nhưng thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn làm những người trong cuộc hết sức sốt ruột. Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một tín hiệu tích cực để chúng ta hy vọng nhiều hơn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng này.
Đóng góp lớn cho kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 12 ngành công nghiệp văn hóa gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình phát thanh, du lịch văn hóa. Trên thực tế, không phải đợi đến năm 2016 khi ban hành Chiến lược, chúng ta mới có các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, rõ ràng là, với cách tư duy, quản lý và vận hành theo lối cũ, các lĩnh vực trên không tồn tại như các ngành công nghiệp văn hóa theo nghĩa đúng nhất của khái niệm này, ở đó, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tuân theo quy luật của thị trường, có sự kết nối giữa tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để hình thành nên các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Sự chưa phát triển và tính không chuyên nghiệp thể hiện ở việc rất nhiều công trình nghệ thuật được sản xuất ra và rơi vào quên lãng, lãng phí tiền bạc của Nhà nước và xã hội. Những ví dụ như một số bộ phim chi phí sản xuất nhiều tỷ đồng nhưng không thể chiếu ở rạp tồn tại ở nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, phim ảnh đến thủ công mỹ nghệ… Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, người sáng tạo không sống được bằng nghề. Thị trường nghệ thuật không phát triển theo đúng quy luật cung - cầu.
Kể từ sau khi ban hành Chiến lược, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã có chuyển biến tích cực, nhất là ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - 3 thành phố được thiết kế để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Những thành tựu đáng kể như Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; các sự kiện sáng tạo, không gian sáng tạo nở rộ ở các đô thị; xã hội quan tâm hơn đối với các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở quy mô khác nhau...
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%, năm 2019 ước đạt 6,02%; đến năm 2022 các ngành bắt đầu phục hồi sau Covid-19 và giá trị đóng góp ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD…
Có thể thấy, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế đất nước rất lớn. Điều này cũng tương đồng với xu hướng chung của thế giới. Không những thế, phát triển các ngành công ngiệp văn hóa còn tạo điều kiện khai thác những giá trị văn hóa dân tộc, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Tận dụng thế mạnh để bứt phá
Việt Nam có một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng, được hình thành qua nhiều thế kỷ. Điều này được biểu hiện qua sự phong phú của nhiều ngành nghề thủ công, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, kiến trúc, lễ hội độc đáo của 54 tộc người. Những năm gần đây, vốn di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam bắt đầu được phục hồi và ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế.
Việt Nam còn có dân số trẻ và tăng trưởng nhanh, năng lực sáng tạo tốt và nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu; nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất văn hóa và kinh doanh, tổ chức các hoạt động văn hóa có tâm huyết đang xuất hiện. Đây chính là nhân lực quan trọng cho sự tăng trưởng của công nghiệp văn hóa đất nước.
Chiến lược phát triển ngành các ngành công nghiệp văn hóa được xác định như một thành tố then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hà Nội tiên phong trong việc ban hành nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Như vậy, thông qua việc thực hiện chiến lược, kế hoạch của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng với mối quan tâm thực sự của các cơ quan quốc tế, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có khả năng sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn so với các nước đang phát triển khác. Tăng trưởng trong công nghiệp văn hóa sẽ đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, gia tăng lợi ích kinh tế và thúc đẩy phát triển công nghệ số.
Để tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực quan trọng cho phát triển đất nước. Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa, đặc biệt thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân cho văn hóa và sự hợp tác, đối tác giữa Nhà nước với các thành phần xã hội cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa; đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân sáng tạo phát huy khả năng. Đánh giá các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, liên hệ các quy định này đến từng ngành công nghiệp văn hóa, ý thức thực thi quyền tác giả và quyền liên quan…
Về đào tạo nguồn nhân lực, đưa giáo dục sáng tạo phát triển sâu rộng ở cấp tiểu học để khuyến khích trẻ em khám phá trí tưởng tượng, bản sắc truyền thống và đương đại, thực hành nghệ thuật thông qua tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về ngành công nghiệp văn hóa đến Việt Nam làm việc. Nghiên cứu thiết lập một chương trình chuyên về giáo dục sáng tạo trong ngành văn hóa; các thiết chế văn hóa công lập thành lập các nhóm giáo dục sáng tạo và triển khai được các hoạt động giáo dục sáng tạo dành cho công chúng, hỗ trợ các nghệ sĩ chuyên nghiệp phát triển kỹ năng giảng dạy để có thể làm việc hiệu quả trong trường học và các môi trường giáo dục khác.
Bên cạnh đó còn phải có các giải pháp về quảng bá, truyền thông, tổ chức và huy động tài chính…
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế; đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống, phát huy nội lực, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.