Sức sống mới trên bản làng Phú Thọ

- Thứ Ba, 26/01/2021, 05:32 - Chia sẻ
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm và đến nay, toàn tỉnh còn có 4,7% hộ nghèo; hơn một nửa số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, trong đó, huyện Tân Sơn đã thoát khỏi danh sách 64 huyện nghèo 30a giai đoạn 2018 - 2020… là những kết quả mà Phú Thọ đạt được trong thời gian qua. Đây cũng là những điều kiện giúp Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Không chỉ thoát nghèo

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Quân, ở khu 9, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba là một trong nhiều trường hợp điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Đầu năm 2017, ông Quân đã vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và tiếp tục vay thêm 70 triệu từ chương trình nâng mức dành cho đối tượng hộ cận nghèo trong năm 2020 để mở rộng chuồng trại quy mô sản xuất lên 9 con bò sinh sản, 500 con gà thương phẩm và 2,5ha rừng cây nguyên liệu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để phát triển ngành nghề
Ảnh: Trần Việt

Không chỉ được hỗ trợ để thoát khỏi đói nghèo, gia đình chị Nguyễn Thị Quế ở khu 4, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng và nhiều hộ mới thoát nghèo khác còn được NHCSXH Phú Thọ tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn thuộc chương trình giải quyết việc làm để có thêm điều kiện mở rộng cơ sở làm nấm rơm, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng... Sự hỗ trợ kịp thời này cho thấy, những cán bộ tín dụng NHCSXH Phú Thọ đã sâu sát với dân nghèo, bảo đảm cho họ tiếp cận nhanh nhất các nguồn vốn hỗ trợ, giúp họ không bị gián đoạn hay trở ngại nào liên quan đến nguồn vốn trong hành trình vươn lên.

Một niềm vui lớn cũng đã đến với gia đình bà Đinh Thị Nhâm, ở huyện Thanh Sơn, bởi Xuân Tân Sửu 2021 này, gia đình bà đã có mái nhà khang trang - sản phẩm được làm nên từ những nguồn lợi mà đồng vốn tín dụng chính sách mang lại. “Ở Thanh Sơn, có tới 2.517 hộ đã thoát nghèo như nhà bà Đinh Thị Nhâm; hơn 1.000 hộ có điều kiện phát triển kinh tế, xây nhà mới khang trang, vững chắc. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn phải thoát nghèo bền vững để vươn lên khá giả” - Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Sơn Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ.

Chỉ cần quyết tâm

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Trương Việt Phương, hiện tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số của Chi nhánh đạt 4.433 tỷ đồng với 16 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện. Các chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng của miền Trung du Bắc Bộ.

Đặc biệt, thông qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các nguồn lực tài chính ở Phú Thọ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã được quy về một đầu mối là NHCSXH. Nhờ vậy, nâng dư nợ nguồn vốn chính sách trên địa bàn Phú Thọ năm 2020 đạt 4.428 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Với mức tổng dư nợ đó, NHCSXH Phú Thọ xứng đáng được xếp hạng tốp 10 trong hệ thống NHCSXH về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Từ nguồn vốn này, NHCSXH Phú Thọ đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách ở miền đất tổ Hùng Vương. Các cán bộ tín dụng luôn lặn lộn, bám sát cơ sở, cùng bàn bạc kỹ lưỡng với cán bộ chính quyền, đoàn thể và hướng dẫn tận tâm giúp người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả, thông qua hệ thống điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã phường, thị trấn…

Có nguồn vốn lớn, có mô hình tổ chức quản lý phù hợp và mạng lưới rộng khắp nên những người làm tín dụng chính sách ở Phú Thọ càng thêm năng động, hoạt động theo phương thức cấp tín dụng chính sách trực tiếp, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; giúp phòng ngừa, hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại bấy lâu nay ở nông thôn. Đặc biệt, chính sách cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một trong những cứu cánh nhân văn, kịp thời và hiệu quả.

Có thể thấy, tất cả những việc làm của cán bộ tín dụng NHCSXH Phú Thọ hay nói như Giám đốc Trương Việt Phương là “chỉ cần đôi bên quyết tâm” đã góp phần thúc đẩy vùng đất Trung du miền núi Phú Thọ thêm sức sống mới. Những hành động này không chỉ là lời hứa của những cán bộ quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ở một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc mà chính là phương châm hành động của những người làm tín dụng trong toàn hệ thống NHCSXH, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và vui đón Xuân Tân Sửu. 

Đông Dư