Sức sống mới ở Nam Tây Nguyên

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 06:35 - Chia sẻ
Tháng 11 trở lại tỉnh Lâm Đồng, gặp lại những chàng trai, cô gái Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mơ Nông… mới thấy cuộc sống của đồng bào vùng sâu đã khác xưa nhiều. Hình ảnh buôn làng trù phú ẩn trong màu xanh của lá, của trời Tây Nguyên đã thay thế hoàn toàn cho một thời cùng cực, làm không đủ ăn, cái đói luôn rình rập mỗi khi giáp hạt…

Xóa dần ranh giới giàu - nghèo

Hình ảnh xã Sơn Điền một thời khốn khó, nằm tách biệt với trung tâm huyện Di Linh chừng 50km; hình ảnh đồng bào Cơ Ho chỉ biết dựa vào rừng già, sống bằng săn bắt, hái lượm giờ đã vào dĩ vãng. Xứ sở núi liền núi, cây liền cây đã mọc lên san sát những ngôi nhà kiên cố; đường liên thôn, liên xã mở rộng, trải bê tông bằng phẳng và nhộn nhịp những chuyến xe chở cà phê, nông sản.

		Phụ nữ ở Sơn Điền, huyện Di Linh tự tin thoát nghèo với nguồn vốn chính sách ưu đãi.
Phụ nữ ở Sơn Điền, huyện Di Linh tự tin thoát nghèo với nguồn vốn chính sách ưu đãi.
Ảnh: Dư Minh Uyên

“Quả thực, ốc đảo Sơn Điền đã thay đổi. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong địa phương cùng với kết quả đầu tư các chương trình dự án của Nhà nước, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), bức tranh kinh tế - xã hội ở Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền KW Uẩn chia sẻ.

Đến nay, nhờ 37 tỷ đồng vốn ưu đãi, toàn xã đã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 9,7%. Nhiều mô hình làm ăn mới, những gương điển hình sản xuất giỏi xuất hiện ở cả 7 buôn làng. Như hộ nghèo Ka Thuyền, ở thôn Bờ Rơm đã vươn lên thành hộ khá giả nhờ sự động viên của cán bộ Hội Nông dân xã, sự hướng dẫn tận tình và nguồn vốn vay 40 triệu đồng của cán bộ NHCSXH huyện Di Linh.

Giống như Sơn Điền, xã Lộc Tân cũng khởi sắc từ những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ. Nhiều hộ nghèo như gia đình chị Ka Tés, dân tộc Mạ, thôn 2, xã Lộc Tân đã có tới 3 lần vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bảo Lâm với tổng số tiền là 106 triệu đồng để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế gia trại tổng hợp. Ban đầu, chị Ka Tés sử dụng vốn vay vào việc nuôi 2 con bò vắt sữa; sau khi làm ăn sinh lời, trả được nợ gốc, lãi đầy đủ nên tiếp tục được vay vốn ưu đãi thuộc các chương trình tín dụng dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình giải quyết việc làm để làm lán trại nuôi tằm, tạo kén, ươm tơ dệt lụa.

“Tuy chưa giàu có nhưng chúng tôi đã thoát nghèo, có việc làm, thu nhập ổn định và nhà cửa khang trang” - chị Ka Tés hồ hởi nói.

Nỗ lực tập trung nguồn lực

Chuyện 7 buôn làng thuộc miền sơn cước Sơn Điền và Lộc Tân thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4% đã cho thấy sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào và nhất là tác động của vốn ưu đãi trên miền đất Nam Tây Nguyên.

Thực tế 19 năm qua, NHCSXH Lâm Đồng luôn làm việc ở cường độ cao nhất; quyết tâm huy động các nguồn vốn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho đồng bào. Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến 31.10.2021, UBND các cấp ở Lâm Đồng đã chuyển 270 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH Lâm Đồng, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn ủy thác đã góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt xấp xỉ 4.200 tỷ đồng, trong đó, 11/12 đơn vị NHCSXH cấp huyện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn được giao năm 2021.

Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần đáng kể tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh hàng năm lên 8%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,6% năm 2015 xuống 5,8% vào cuối năm 2020; nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 102/147, trong đó 100% xã của huyện Đơn Dương và 5 xã của huyện nghèo 30a Đam Rông về đích nông thôn mới trước thời hạn.

Theo Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng Võ Văn Thanh, đạt được kết quả trên, trước hết do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó đáng ghi nhận tinh thần nỗ lực vượt khó của người làm tín dụng chính sách trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Đội ngũ cán bộ tín dụng của Chi nhánh luôn bám sát từng bước đi của đồng bào, tập trung huy động, tạo lập nguồn vốn và chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Dòng chảy vốn tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn cao nguyên Lâm Đồng rộng lớn. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhưng doanh số cho vay của Chi nhánh vẫn đạt 1.027 tỷ đồng, với 25.931 lượt khách hàng vay vốn, mức vay bình quân 54,6 triệu đồng/hộ. Toàn bộ nguồn vốn đã về tận tay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn thông qua hệ thống 142 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và mạng lưới 2443 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở khắp buôn làng, khu dân cư.

Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt hoạt động bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện cho vay vốn chính sách đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất, hoặc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Đội ngũ những người làm tín dụng chính sách vẫn đang nỗ lực bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững.

Dư Minh Uyên