70 năm Chiến thắng Biên giới Thu - Đông (1950 - 2020)

Sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 06:42 - Chia sẻ
Cách đây 70 năm, quân dân ta trên mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn cùng Liên khu Việt Bắc đã thực hiện thắng lợi Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950. Thắng lợi này có được nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, thắng lợi của chiến dịch làm xoay chuyển cục diện có lợi cho ta, khẳng định và làm rõ thêm những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cuộc thử lửa quyết liệt đầu tiên

Tại hội thảo “Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử” sáng 2.10, các chuyên gia lịch sử có chung nhận định, với nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng ưu thế, ta đã tạo được thế áp đảo quân địch, thực hiện thắng lợi Chiến dịch Biên giới - chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân và dân ta, cũng là cuộc thử lửa quyết liệt những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16.9.1950
Ảnh: Vũ Năng An

Diễn ra từ ngày 16.9 - 14.10.1950, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Chiến dịch Biên giới 1950 cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo.

Theo Giám đốc Học viện Lục quân, Trung tướng Hoàng Văn Minh, với nghệ thuật tổ chức và chỉ huy linh hoạt, cơ động, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới đã tạo được sức mạnh áp đảo quân địch trên từng khu vực, từng trận đánh, nhất là các trận then chốt, then chốt quyết định. “Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ lực lượng, thế trận, khéo kết hợp các yếu tố của sức mạnh chiến đấu, ta đã thực hiện được yêu cầu đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo ngay từ đầu chiến dịch. Do vậy, mặc dù phạm vi khu vực tác chiến của chiến dịch theo đường số 4 từ thị trấn Na Sầm, Lạng Sơn đến thị xã Cao Bằng, chiều dài đến gần 100km, nhưng chiến dịch đã giành được thắng lợi, vượt mức kế hoạch đề ra”.

Qua 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, chúng ta đã thực hiện phương châm “đánh điểm, diệt viện”, tiến công địch ngoài công sự, tổ chức và sử dụng lực lượng nghi binh tạo thế linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả cao. Tất cả đã góp phần tạo nên sức mạnh áp đảo địch, tạo thời cơ cho chiến dịch thực hiện các trận đánh tiêu diệt nhanh từng đối tượng địch, kết thúc chiến dịch.

Có thể nói, Chiến dịch Biên giới mở ra và giành được thắng lợi đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp thiết về chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ ta giành, giữ và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, liên tục tiến công địch, đánh tiêu diệt với quy mô ngày càng lớn và giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, tạo được thế trận mới.

Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết, cũng vì xây dựng quyết tâm ngay từ đầu nên các lực lượng tham gia chiến dịch đã hoàn toàn chủ động tiến công địch một cách quyết liệt, không dao động, nản chí trước bất cứ tình huống khó khăn nào. Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, minh chứng cho lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh như La Văn Cầu, Trần Cừ, Lý Văn Mưu, Đinh Thị Dậu, Triệu Thị Soi… và biết bao đồng chí, đồng đội ở cả tiền tuyến và hậu phương.

Bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, Chiến dịch Biên giới 1950 đồng thời khẳng định bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch. Cụ thể, phân tích của Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho thấy, khi xác định hướng mở chiến dịch, hướng Đông Bắc đã được chọn là hướng chính, Tây Bắc là hướng nghi binh, các chiến trường khác đều tăng cường hoạt động để phối hợp với chiến trường chính nhằm phân tán lực lượng địch. Thực tế, chọn cứ điểm Đông Khê đánh trận mở màn chiến dịch thay vì tiến công thị xã Cao Bằng như kế hoạch ban đầu, là một quyết định chính xác, có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó, nghệ thuật giữ thế chủ động chiến trường, triển khai thế trận, bố trí lực lượng đánh địch tăng viện, chuyển hóa thế trận tốt… là những nguyên nhân căn bản dẫn đến thắng lợi giòn giã.

Các đơn vị tham gia Chiến dịch Biên giới 1950 làm lễ xuất phát, lên đường ra mặt trận
Nguồn: TTXVN

“Chiến dịch Biên giới 1950 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó nghệ thuật chiến dịch là một điển hình, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta về trình độ tác chiến tập trung, về chiến thuật, kỹ thuật. Chiến dịch lựa chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, tạo được thế trận hiểm, có cách đánh hay và trải qua nhiều tình huống phức tạp, về cơ bản đã có những xử lý kiên quyết, chủ động và chính xác, như tập trung lực lượng tiến công địch trên một hướng quyết định trong thời điểm quyết định, chủ trương táo bạo chuyển hướng cục diện chiến tranh…”, PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bổ sung.

Kết tinh thành quả những nỗ lực phi thường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 góp phần xoay chuyển cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có lợi cho ta. Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trung tướng Trần Việt Khoa tổng hợp, cái lợi lớn nhất đó là phá thế bao vây của địch, mở rộng giao lưu quốc tế, tạo thế trận mới vững chắc, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Hơn thế, ta còn giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường; quân và dân ta chuyển mạnh từ du kích chiến lên vận động chiến, kết hợp tác chiến chính quy với tác chiến du kích ở trình độ cao. “70 năm đã trôi qua nhưng thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 vẫn ngời sáng sức mạnh chính trị tinh thần và trí tuệ Việt Nam - nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay”, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Bạo khẳng định.

Hương Sen