Sức mạnh phái nữ nơi nghị trường

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 20:59 - Chia sẻ
Khi những “bông hồng thép” xuất hiện, làm dậy sóng nghị trường. Đây là cách nói hình ảnh mà cử tri đã ưu ái dành cho các nữ đại biểu khi các chị xuất hiện với những phát biểu, tranh luận, chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nữ Đại biểu Quốc hội tham gia trong ngành giáo dục. Ảnh Lâm Hiển

Theo Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ Hai Quốc hội Khóa XIV, (tháng 10.2016) đã có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (bằng 22,10%). Tương tự như vậy, tại Kỳ họp thứ Tư (2017) là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và Kỳ họp thứ Sáu (2018) là 21/88 (23,86%).

Điểm qua những con số này để thấy tỷ lệ ý kiến phát biểu của đại biểu nữ qua các kỳ họp gần đây ngày càng tăng lên. Điều đáng nói, không chỉ là tần suất xuất hiện, mà nhiều phát biểu của các chị đã thực sự để lại dấu ấn đậm nét trên nghị trường. Có không ít đại biểu đã để lại “thương hiệu” cá nhân qua mỗi lần xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội. Không chỉ là những phát biểu thẳng thắn, gai góc, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri mà còn đưa ra những kiến nghị giải pháp thấu đáo khiến cơ quan quản lý cũng phải “tâm phục, khẩu phục”.

Còn nhớ, tại phiên họp Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIII , góp ý với Đề án Tái cơ cấu kinh tế tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) cho rằng: một số doanh nghiệp còn mang dáng dấp thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh, thừa thày, thiếu thợ, đến hẹn lại lên, trong khi muốn giảm biên chế cũng không xong vì đụng đến con anh A, cháu bị B. Đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn; phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn Nhà nước phải là ông chủ thực sự chứ không phải ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi, đi xin kế hoạch, xin vốn. Cho đến nay, dù không còn trong vai đại biểu dân cử, nhưng chị vẫn được cử tri nhớ đến là một trong những đại biểu sắc sảo với mỗi lần xuất hiện ở nghị trường.

Còn nhiều và rất nhiều nữ đại biểu như thế. Đại biểu Lê Thị Nga trước đây là đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, nay là Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, là người không xuất hiện dày nhưng mỗi lần chị xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội đã để lại ấn tượng rất đặc biệt bởi những phát biểu sâu sắc, đầy tính lý lẽ, thuyết phục. Nhiều phát biểu của chị kể cả lĩnh vực tư pháp, và góp ý các dự thảo văn bản pháp luật đã giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện một cách nghiêm túc để có chỉnh sửa các quy định sát thực tiễn hơn.  

Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV này đã xuất hiện rất nhiều gương mặt nữ mới với nhiều phát biểu tâm huyết cũng như các tranh luận sắc sảo với các tư lệnh ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà cử tri và dư luận quan tâm. Có thể kể đến 3 nữ đại biểu Quốc hội, đó là đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) và đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai).

Trước những “hạt sạn” trong sách giáo khoa lớp 1, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã rất thẳng thắn khi cho rằng, đã “sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược. Chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của những người lớn, nó quá sức tiếp thu của một đứa trẻ”.

Cử tri và dư luận rất ấn tượng về đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến tỉnh Nam Định) khi nữ đại biểu thẳng thắn chỉ ra sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 có nhiều bất cập “cần phải nhìn nhận lại”. Sách giáo khoa ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa của Việt Nam, dẫn tới giáo viên vừa dạy, vừa phải điều chỉnh. Theo đại biểu, những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn trong quá trình biên soạn, thẩm định.

“Là đại biểu đang công tác trong ngành Giáo dục, bản nhân tôi cảm thấy rất tiếc về sự cố này”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ trước Quốc hội. Những phát biểu của chị thực sự đã chạm đến sự đồng cảm của tất cả cử tri, nhân dân, và cả những giáo viên khi họ đang phải gánh trọng trách dạy cho trẻ những điều tốt đẹp trong khi sách giáo khoa vẫn còn những “hạt sạn” đáng tiếc. Những phát biểu của chị không chỉ dừng ở một sự thấu hiểu về những cái khó khăn của phụ huynh, của giáo viên, của các em học sinh mà còn vì mục đích xây dựng một nền giáo dục hoàn chỉnh và tiến bộ. Là người ở trong ngành giáo dục, phát biểu về những tồn tại của ngành mình không phải là điều dễ dàng nếu chị không vì một sự tâm huyết và sự dũng cảm để vượt qua những rào cản vô hình đó. Và như chị chia sẻ, phát biểu với “tinh thần cầu thị và mang tính chất xây dựng, chịu trách nhiệm với phát biểu của mình”.

Rất khó để kể hết những gương mặt ấn tượng nghị trường trong thời gian qua. Còn nhiều và rất nhiều những nữ đại biểu như vậy đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân. Dù người từng trải nghiệp dân cử hay người lần đầu tham gia, thì những lần phát biểu, những chất vấn, những tranh luận đến cùng của các chị đã thể hiện được tâm tư nguyện vọng của cử tri, đã thực sự phản ánh được vấn đề nóng mà dư luận và người dân quan tâm đến được với diễn đàn Quốc hội. Điều quan trọng, những phát biểu của các chị không phải là “bới lông tìm vết”, mà đó là những tâm huyết với những vấn đề quốc kế, dân sinh. Cùng với hiến kế giải pháp để giúp quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Ngày 8.3, chúng ta cùng chúc các nữ đại biểu dân cử nhiều sức khỏe và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết. Chúc cho các chị ngày càng tỏa sáng trên nghị trường với những phát biểu đầy “chất thép”.

Hà An