Nhiều người trưởng thành phụ thuộc vào thuốc ngủ

- Thứ Bảy, 04/02/2023, 07:25 - Chia sẻ

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 12 người thì sẽ có 1 người phải dùng thuốc ngủ hàng ngày hoặc thường xuyên trong ngày.

Nhiều người trưởng thành phụ thuộc vào thuốc ngủ -0
Nếu gặp tình trạng khó ngủ, tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả khi chúng chỉ là thực phẩm chức năng. (Ảnh: Getty Images)

Để ngủ ngon, nhiều người thường xuyên tìm đến các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn. Theo báo cáo được công bố vào tháng 1 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 8% người trưởng thành cho biết họ sử dụng thuốc ngủ mỗi khi họ cần chợp mắt.

Cũng theo báo cáo của CDC, 10,2% phụ nữ cần thường xuyên sử dụng thuốc ngủ và các loại sản phẩm hỗ trợ khác, trong khi tỉ lệ này ở nam giới thấp hơn, ở mức 6,6%.

Phụ nữ vẫn là đối tượng phụ thuộc vào thuốc ngủ nhiều hơn nam giới ở mọi lứa tuổi. Trong độ tuổi từ 45 đến 64 tuổi, có đến 13% phụ nữ và 7,1% nam giới sử dụng thuốc ngủ và các biện pháp tương tự. Trong khi đó, với những người trên 65 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc ngủ ở nam giới tăng cao, lên tới 10,1%, còn nữ giới là 13,5%.

Thuốc ngủ không nên là giải pháp ưu tiên

Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không phải là giải pháp nên tìm đến mỗi khi xuất hiện chứng mất ngủ.

Nếu các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, thì điều cần thiết là phải gặp bác sĩ để loại trừ bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào có thể là nguyên do gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, không nên điều trị bằng thuốc ngủ không kê đơn (OTC).

Nếu bị mất ngủ, việc đầu tiên là nên xem xét lại các thói quen hàng ngày và môi trường phòng ngủ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bác sĩ Knutson nói: “Các thói quen có thể bao gồm việc nạp caffeine vào thời điểm muộn trong ngày, nhìn chằm chằm vào màn hình sáng trước khi đi ngủ hoặc luôn để TV, đèn sáng.”

Một số lời khuyên để có giấc ngủ ngon hơn

-   Tạo thói quen ngủ đúng giờ: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần.

-   Không gian phòng ngủ: Phòng ngủ nên để tối và yên tĩnh nhất có thể, đồng thời đặt bộ điều nhiệt ở nhiệt độ phù hợp với cơ thể.

-   Không đặt các thiết bị điện tử ở gần: Không đặt tivi, máy tính,… trong phòng ngủ hay dành nhiều thời gian trước khi đi ngủ sử dụng chúng.

-   Để ý tới các thực phẩm nạp vào cơ thể: Tránh uống rượu, các đồ uống chứa caffeine và ăn quá no trước khi đi ngủ.

-   Vận động thường xuyên: Các hoạt động thể chất vào ban ngày có thể giúp dễ ngủ hơn khi đêm xuống.

Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà không hiệu quả, hình thức trị liệu được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là phương pháp điều trị được Bác sĩ Knutson khuyến nghị trước khi tìm tới các loại thuốc ngủ. Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng CBT có thể giúp cải thiện chứng mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ hiệu quả hơn so với thuốc ngủ theo toa.

“Ngoài các loại thuốc ngủ, Melatonin là một lựa chọn rất phổ biến, vì nó được cho là có nguồn gốc tự nhiên và an toàn. Tuy nhiên, melatonin không phải lúc nào cũng hiệu quả và chỉ giúp ích cho số ít các vấn đề về giấc ngủ” – theo lưu ý của David Neubauer, Phó Giáo sư Tâm thần học và Khoa học hành vi tại Trường Y Đại học Johns Hopkins ở Baltimore.

Ngoài ra, nhược điểm của Melatonin và thuốc ngủ không kê đơn là mọi người dễ dàng mua chúng mà không cần chỉ định của bác sĩ. Điều này dẫn đến việc nhiều người trì hoãn việc chẩn đoán các vấn đề y tế mà có thể là căn nguyên của chứng bệnh mất ngủ, Neubauer chia sẻ thêm.

Với bề dày kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu giấc ngủ, Phó Giáo sư Neubauer đưa ra lời khuyên: “Khi tình trạng khó ngủ vào ban đêm hoặc buồn ngủ ban ngày có tác động tiêu cực đến cảm xúc và hoạt động của con người, họ nên tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đánh giá các triệu chứng một cách chính xác nhất.”

Mỹ Huyền (Theo Everydayhealth)
#