Hàn Quốc

Sức khỏe toàn dân - trọng tâm trong chính sách phát triển

- Thứ Hai, 12/07/2021, 07:09 - Chia sẻ
Được đánh giá là một thách thức chưa từng có, đại dịch Covid-19 đã làm cho các nước hiểu được giá trị cơ bản của sức khỏe và tầm quan trọng của việc bao phủ sức khỏe toàn dân. Thành công của Hàn Quốc trong việc xây dựng một hệ thống như vậy sẽ khuyến khích các nước có thu nhập thấp hơn hiện nay thực hiện cam kết tương tự.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sự bất bình đẳng và yếu kém trong hệ thống y tế cả trong và ngoài nước. Hầu hết các quốc gia ban đầu phản ứng khá chậm chạp với cuộc khủng hoảng, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và kinh tế. Nhưng một số nước Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, quản lý khủng hoảng đã cho kết quả tương đối khả quan. Trên thực tế, những nỗ lực hàng thập kỷ của Hàn Quốc nhằm xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân có khả năng phục hồi là một hình mẫu cho các nước đang phát triển noi theo.

		Ảnh Getty Images
Nguồn: Getty Images

Sức khỏe là quyền cơ bản

Các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế có thu nhập thấp nên coi sức khỏe là quyền cơ bản của con người, coi đây là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và tăng trưởng kinh tế bền vững của một quốc gia. Những đứa trẻ khỏe mạnh có khả năng học tập tốt hơn và trở thành những người lớn khỏe mạnh, lao động hiệu quả hơn. Tương tự như vậy, việc thiết lập một hệ thống y tế mạnh mẽ và có thể tiếp cận rộng rãi là cần thiết để tăng cường an ninh y tế khi đối mặt với những cú sốc khó lường như Covid-19.

Mục tiêu thứ ba trong Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG 3) đưa ra cam kết tất cả quốc gia nỗ lực đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), bao gồm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu có chất lượng; các loại thuốc và vaccine an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng vào năm 2030. Nhưng còn phải rất lâu nữa để cả thế giới đạt được các mục tiêu này. Hơn một nửa người dân trên thế giới không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế thiết yếu và nhiều quốc gia đang phải vật lộn để có đủ vaccine Covid-19 cho người dân của họ.

Tích hợp chiến lược phát triển y tế vào chiến lược kinh tế

Hơn nữa, các chính phủ nên bắt đầu đầu tư vào chăm sóc sức khỏe sớm trong quá trình phát triển. Vào những năm 1960, khi Hàn Quốc vẫn còn là một quốc gia có thu nhập thấp, chính phủ đã tập trung các biện pháp để giúp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nước này trở nên dễ tiếp cận, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và các cộng đồng nghèo. Hàn Quốc đã thành lập các trung tâm tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng ở mọi thị trấn và làng mạc, đồng thời phát triển đủ số lượng chuyên gia có trình độ, bao gồm cả bác sĩ, thúc đẩy họ có mặt ở khắp mọi nơi. Kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ này, Hàn Quốc đã tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và ngăn chặn nhiều bệnh truyền nhiễm.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, các nước nghèo hơn nên tích hợp các kế hoạch phát triển y tế được thiết kế tốt và hiệu quả vào các chiến lược phát triển kinh tế tổng thể trong thời kỳ công nghiệp hóa của họ. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hàn Quốc trong vài thập kỷ đã hỗ trợ đầu tư công liên tục vào hệ thống y tế của nước này. Đồng thời, thu nhập hộ gia đình tăng nhanh đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ y tế, khiến các phòng khám và bệnh viện tư nhân mọc lên như nấm. Nhờ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng y tế, Hàn Quốc hiện có 12,4 giường bệnh trên 1.000 dân, so với 2,9 giường trên 1.000 dân ở Hoa Kỳ.

Chương trình bảo hiểm y tế

Cam kết lâu dài và mạnh mẽ của chính phủ Hàn Quốc đối với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân kể từ những năm 1960 đã làm cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trở nên dễ tiếp cận hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Chính phủ đã đưa ra hệ thống bảo hiểm tự nguyện vào năm 1963, nhưng tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế lành nghề và các tổ chức y tế tham gia vào chương trình đã làm giảm hiệu quả của hệ thống này. Năm 1976, chưa đến 10% dân số có bảo hiểm y tế.

Do đó, vào năm sau, chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập hệ thống bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động trong các công ty lớn, cùng với chương trình Trợ giúp Y tế (Medicaid) được hỗ trợ bởi thuế dành cho những công dân có thu nhập thấp. Kế hoạch mới dần dần được mở rộng cho cả lao động tự do và lao động phi chính thức, đã giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân sau đó chưa đầy một thập kỷ - vào năm 1989. Hiện nay, 97% dân số Hàn Quốc được hưởng Bảo hiểm Y tế quốc gia (NHI) và 3% còn lại hưởng bảo hiểm thông qua Chương trình Viện trợ y tế.

Một cơ chế tài chính bền vững đã cho phép Hàn Quốc đầu tư liên tục vào hệ thống y tế, do đó đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả và công bằng. Hệ thống NHI bắt đầu với mức đóng góp thấp và lợi ích thấp, và dần dần mở rộng phạm vi bao phủ. Ngày nay, chương trình này không chỉ bao gồm điều trị bệnh tật mà còn cung cấp các dịch vụ tập trung vào phòng chống bệnh tật, nâng cao và duy trì sức khỏe, đồng thời bảo vệ thu nhập hộ gia đình trước chi tiêu y tế quá mức. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ y tế bắt buộc phải tham gia NHI, và cung cấp cho bệnh nhân các gói quyền lợi tương tự do Đạo luật Bảo hiểm Y tế quốc gia quy định. Do đó, bệnh nhân Covid-19 ở Hàn Quốc không cần lo lắng về chi phí điều trị và nằm viện.

Những cải cách lớn đã tăng cường hơn nữa hệ thống NHI. Trước đây, hệ thống bao gồm 370 quỹ bảo hiểm dựa trên các công ty hoặc khu vực, dẫn đến chi phí quản lý cao, đóng góp không đồng đều và phân chia rủi ro hạn chế. Năm 2000, Đạo luật Bảo hiểm Y tế Quốc gia được ban hành và tất cả các công ty bảo hiểm được tích hợp vào một công ty bảo hiểm duy nhất. Tổ chức Bảo hiểm Y tế Quốc gia (National Health Insurance Service - NHIS) và Tổ chức giám định Bảo hiểm Y tế (Health Insurance Review and Assessment Service - HIRA) đã được thành lập. Cải cách mang tính đột phá này cho phép NHI tích lũy và sử dụng dữ liệu lớn (big data) để cung cấp các dịch vụ quản lý y tế hiệu quả hơn. Dữ liệu và hỗ trợ của NHI cho hệ thống giám sát Covid-19 của Hàn Quốc cho phép chính phủ phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch và ngăn chặn sự lây lan của nó.

Nhìn chung, hệ thống chăm sóc sức khỏe bắt buộc, phổ cập của Hàn Quốc đã mang lại sự cải thiện đáng kể về kết quả sức khỏe và bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa từ dịch bệnh. Kể từ năm 1960, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 80 ca tử vong trên 1.000 ca sinh xuống dưới ba tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình khi sinh tăng từ 55 lên 83 tuổi. Hệ thống này cũng đã tạo nền tảng cho chu kỳ phát triển mạnh mẽ về nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước trong nửa thế kỷ qua.

Đại dịch Covid-19 là một thách thức chưa từng có, nó đã giúp làm nổi bật cả giá trị cơ bản của sức khỏe và tầm quan trọng của việc bao phủ sức khỏe toàn dân. Thành công của Hàn Quốc trong việc xây dựng một hệ thống như vậy sẽ khuyến khích các nước có thu nhập thấp hơn thực hiện cam kết tương tự ngay từ bây giờ.

Đạt Quốc