Sửa đổi Luật Điện ảnh - Kỳ vọng của người làm nghề

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:08 - Chia sẻ
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được cả người trong nghề và công chúng rất quan tâm. Ngoài những cuộc tham vấn ý kiến của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, chính những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cũng tự ngồi lại với nhau nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, tham khảo các chuyên gia về luật để từ đó đưa ra góp ý, kiến nghị đối với dự thảo Luật. Điều này cho thấy, giới làm phim đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bài 1: “Hãy trao cho chúng tôi cơ hội nhiều hơn”

Nhìn nhận rõ tiềm năng của điện ảnh, tạo dựng môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng và bình đẳng, tin tưởng và trao cơ hội nhiều hơn - đó là mong muốn của nhiều người đang hoạt động trong lĩnh vực này...

Sân chơi bình đẳng

Đầu năm 2021, trao đổi với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) chia sẻ, mong muốn lớn nhất là có một sân chơi sòng phẳng, nơi mà doanh nghiệp Việt “không phải cúi đầu”.

Được thành lập từ năm 1996, BHD là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh. Từ truyền hình chuyển qua làm điện ảnh, tham gia tất cả các khâu, từ sản xuất, phát hành và phổ biến phim, bà Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng nỗ lực, cũng không sợ các công ty nước ngoài vì các lĩnh vực khác mình ngang cơ họ, mặc dù họ có tiềm lực mạnh hơn rất nhiều.

Bà Hạnh dẫn chứng, tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim Việt Nam và phim Mỹ đang không bằng nhau, dẫn đến phim Việt chịu thiệt trên sân nhà. “Tỷ lệ chia sẻ cho chủ phim Hollywood là 50 - 60%/doanh thu so với phim Việt Nam là 40 - 50% tuần đầu và giảm dần các tuần sau. Như vậy, phim Mỹ doanh thu chủ phim Hollywood vận hành theo quy luật thị trường mở ở Việt Nam đang có lợi thế hơn các nhà sản xuất phim Việt từ 20 - 40% doanh thu”.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, CEO Galaxy Studio, cũng mong có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Việt Nam. Chỉ lấy ví dụ trong phát hành phim trực tuyến đã thấy sự chênh lệch khi phim Việt Nam phải chịu sự kiểm soát nội dung ngặt nghèo và chịu thuế nhưng phim nước ngoài thì không.

Hơn 20 năm đem phim Hollywood, các dự án hợp tác điện ảnh, chương trình quốc tế tới Việt Nam, từng tham dự nhiều liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế, chứng kiến các làn sóng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Giám đốc điều hành của Công ty Thaole Entertainment Lê Thị Phương Thảo cảm thấy tiếc. “Chúng ta có những câu chuyện hay, nhiều người tài, nền văn hóa hấp dẫn, phong phú, thắng cảnh đẹp… Đã nhiều lần tôi muốn đem các liên hoan phim nổi tiếng như Cannes ở Pháp hay Roma ở Italy về Việt Nam nhưng vẫn chưa làm được. Bạn bè quốc tế cũng hỏi tôi tại sao không kiến nghị để tạo môi trường thông thoáng cho họ có thể đến Việt Nam đầu tư, sản xuất phim. Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, và chúng ta cần có cơ chế cởi mở, thuận tiện hơn nhằm thu hút các nhà làm phim nước ngoài nói riêng, phát triển công nghiệp điện ảnh nói chung”.

Với việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, bà Hạnh, bà Hương, bà Thảo cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều kỳ vọng mong muốn của họ sẽ thành hiện thực. Các quy định mới phù hợp và thông thoáng hơn sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp tục trụ vững và phát triển; Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các nhà làm phim quốc tế; và điện ảnh sẽ có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Điện ảnh phát triển sẽ kéo theo các ngành công nghiệp và dịch vụ điện ảnh phát triển (trong ảnh: phim trường phim "Kong: Skull Island" tại Việt Nam)

Nguồn: tuoitre.vn 

Cơ hội của điện ảnh là cơ hội của nhiều ngành nghề khác

“Là những nhà làm phim sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, hay một số nhà làm phim Việt kiều có kiến thức và trình độ về Việt Nam làm phim, chúng tôi đều không muốn làm điều gì tổn hại đến đất nước mình. Hãy trao cơ hội cho chúng tôi nhiều hơn để tạo sự phát triển lớn mạnh cho điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi không biết khi nào cơ hội sẽ đến, nhưng cần môi trường để cơ hội được sản sinh ra” - nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy nói. “Hãy nhìn rõ cơ hội của điện ảnh là cơ hội của nhiều ngành nghề khác, điện ảnh phát triển các nghành công nghiệp và dịch vụ điện ảnh sẽ phát triển theo. Hơn thế, nếu chúng ta có công cụ là điện ảnh thì sẽ mang được hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra quốc tế, đưa văn hóa Việt đến khán giả trẻ Việt, cho họ lòng tự tôn dân tộc để không bị xâm chiếm bởi văn hóa ngoại lai”.

“Chính sách sẽ là động lực vô cùng lớn để thu hút các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam hợp tác, phát triển công nghiệp điện ảnh, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cần phải đơn giản hóa thủ tục để người nước ngoài yên tâm đầu tư làm phim tại Việt Nam chứ không phải rời đi” - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đúc kết.

Cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian tới, song theo đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh, nếu đã xem điện ảnh là ngành công nghiệp thì phải có chính sách cụ thể và phù hợp để phát triển nó, dựa trên số liệu đánh giá cụ thể, bám sát thực tế. Ví dụ, nói phát triển công nghiệp điện ảnh thì phải có đánh giá tác động của điện ảnh đối với kinh tế, từ đó có sự quan tâm đặc biệt, dành cho nó sự hỗ trợ tương xứng về chính sách cũng như nguồn lực. Nhiều quốc gia đã làm tốt điều này.

Nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để phát triển điện ảnh. Có chăng là chúng ta chưa đi đúng hướng, hành lang pháp lý chưa đầy đủ để tạo điều kiện khuyến khích điện ảnh phát triển. Vì thế, không chỉ Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra mà cả những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và yêu điện ảnh đều kỳ vọng vào sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, và đang nỗ lực để có một dự luật tốt nhất.

Nhật Linh