Đông Nam Á:

Sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 05:50 - Chia sẻ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa có chuyến thăm một số nước Đông Nam Á; Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nỗ lực tăng công suất, bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ, an toàn và hiệu quả tại Hội nghị trực tuyến với ASEAN; Phó Tổng thống Mỹ dự kiến thăm một số nước Đông Nam Á trong tháng 8 này. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực này.

Không muốn “chậm trễ”

Đông Nam Á được xem là cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới, đồng thời là vùng đệm quan trọng để các cường quốc bên ngoài khu vực thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược lớn. Tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD). ASEAN đã trở thành một điểm hội tụ trong liên kết khu vực, vừa là trung gian hòa giải bất đồng giữa các cường quốc với mong muốn duy trì nền hòa bình ở khu vực.

Với vị trí địa - chiến lược, Đông Nam Á nằm giữa vòng xoáy cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Trong đó, Trung Quốc xem Đông Nam Á là điểm khởi đầu để triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), nhằm mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực. Hiện nước này đã viện trợ vaccine cho các nước ASEAN hơn 7 triệu liều trong tổng số 25 triệu liều Trung Quốc viện trợ miễn phí cho thế giới. Trung Quốc còn muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN tiến lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện.

Nga cũng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Á - Âu trong chuyển hướng chính sách, nâng tầm vị thế, tạo đối trọng và cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Mặc dù cho tới nay Nga chưa thực sự nổi bật tại khu vực nếu chỉ nhìn vào số liệu thương mại và đầu tư, nhưng ảnh hưởng của Nga có một sức nặng riêng bởi sự hợp tác quốc phòng và hợp tác y tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố phát triển quan hệ với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tăng cường hợp tác Mỹ - ASEAN; tiếp tục tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN để giải quyết các thách thức đang đặt ra, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông. Kế hoạch hành động hợp tác Mỹ - ASEAN giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được triển khai.

Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, chính quyền Biden chưa thể hiện được gì nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Chưa có cuộc điện đàm song phương nào giữa Tổng thống Biden với lãnh đạo các nước trong khu vực. Và dường như nhận ra sự “chậm trễ” so với các đối thủ, Mỹ đã thúc đẩy sự quay trở lại với khu vực Đông Nam Á. Một nhà ngoại giao châu Á nhận xét: có vẻ như chính quyền của Tổng thống Biden đang chỉ đạo hướng sự tập trung hơn vào châu Á sau khi giải quyết các vấn đề toàn cầu khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến thăm Singapore ngày 27.7 vừa qua
Ảnh: Ng Eng Hen

Sự trở lại mạnh mẽ, thực chất

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Biển Đông là khu vực hằng năm có hơn 5,3 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua. Chính vì tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị, Đông Nam Á trở thành chiến tuyến quan trọng trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia cấp cao Greg Poling, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định. “Chính quyền Mỹ hiểu rằng, đây là khu vực rất quan trọng, bởi vậy, Mỹ cần hiện diện tại đây”.

Trong chuyến công du tới Singapore, Việt Nam và Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin lần lượt truyền tải các quan điểm chính sách của Mỹ với khu vực và các đối tác Đông Nam Á. Theo ông Greg Poling, chuyến đi của ông Austin phản ánh cách tiếp cận theo 2 hướng của Mỹ với Đông Nam Á, trong đó một mặt phát đi tín hiệu rất rõ về việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mặt khác thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác tại khu vực. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Indonesia, Campuchia và Thái Lan trong tháng 5 và 6.

Aaron Jed Rabena, thành viên nghiên cứu tại Viện Lộ trình tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila và là thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines, nhận định: “Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách đối chọi sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đó là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác an ninh”.

Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vaccine cho Đông Nam Á mà không kèm theo điều kiện nào. Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ ngày 4.8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó Covid-19, nỗ lực tăng công suất sản xuất, bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ, an toàn và hiệu quả; Mỹ tài trợ 160 triệu USD hỗ trợ các nước khu vực và đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.

Mỹ cam kết cùng ASEAN sẽ tiếp tục dành ưu tiên ứng phó dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy phục hồi bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư, chuyển đổi số, năng lượng… cũng như thông qua các chương trình hợp tác phát triển của Mỹ hỗ trợ cho khu vực; đồng thời, phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.

Không chỉ có vậy, trong tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến thăm Singapore và Việt Nam. Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền Biden tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau 7 tháng cầm quyền. Thông cáo của Nhà Trắng về chuyến thăm nêu rõ: “Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris đã xem việc tái xây dựng mối quan hệ đối tác toàn cầu và bảo đảm đất nước chúng ta an toàn là ưu tiên hàng đầu, và chuyến thăm sắp tới sẽ tiếp tục công việc đó - làm sâu sắc sự can dự của chúng ta ở Đông Nam Á”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh các quan hệ của Mỹ với các nước chủ chốt ở Đông Nam Á không chỉ thể hiện tầm quan trọng của các quan hệ đó, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn về cam kết ưu tiên của Mỹ với khu vực, chứng tỏ họ ưu tiên khu vực này với những hành động thực chất hơn.

Nguyễn Nhâm