Quốc hội Việt Nam và Năm Chủ tịch AIPA 2020

Sự ra đời của AIPO - thôi thúc tinh thần đoàn kết để hội nhập của ASEAN

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 05:13 - Chia sẻ
LTS: Ngày 8 - 10.9 tới, trên cương vị Chủ tịch AIPA 2020, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 theo hình thức trực tuyến. Một sự trùng hợp thú vị khi năm 2020 cũng là năm đánh dấu tròn 25 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO/AIPA. Nhìn lại quá trình phát triển của AIPA, tiền thân là AIPO, đặc biệt là những sáng kiến và đóng góp nổi bật của Quốc hội Việt Nam tại AIPO/AIPA cũng là để thấy rõ hơn trọng trách của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 nói riêng và trong tổ chức liên nghị viện quan trọng của khu vực ASEAN nói chung. Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu chuyên mục: “Quốc hội Việt Nam và Năm Chủ tịch AIPA 2020”.

Đại sứ Ngô Anh Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Khóa X, XI, XII

Kể từ khi Quốc hội Việt Nam gia nhập Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) đến nay đã được 25 năm. Đối với lịch sử hình thành và phát triển của AIPA thì 25 năm qua không phải là dài nhưng Quốc hội ta đã có khá nhiều những đóng góp thiết thực, rất có ý nghĩa tại tổ chức liên nghị viện khu vực quan trọng này.

Quá trình hình thành AIPO/AIPA

Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của AIPA, mà tiền thân là AIPO (ASIAN Interparliamentay Organization - Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á) kể từ ngày thành lập tới nay, có thể thấy, tổ chức chính thức ra đời năm 1977 (10 năm sau khi ASEAN được thành lập) với Nghị viện các nước sáng lập viên là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Việc thành lập AIPO bắt nguồn từ thực tế trưởng thành và sự lớn mạnh của ASEAN - cộng đồng các dân tộc khác nhau trong khu vực, đòi hỏi phải có sự tham gia và gắn kết của các cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên - đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân - những người tạo ra động lực cho sự ra đời và phát triển của ASEAN. AIPO được thành lập cũng do sự thôi thúc của tinh thần đoàn kết để hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN, phấn đấu vì lợi ích chung của khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại phiên toàn thể Đại hội đồng AIPO sau Lễ kết nạp Việt Nam, tháng 9.1995, tại Singapore.
Ảnh: Tư liệu

Từ lúc ban đầu với 5 nghị viện thành viên, nay AIPA đã bao gồm tất cả Nghị viện của 10 quốc gia thành viên ASEAN, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, theo cơ chế hợp tác đã định hình của AIPA, Nghị viện của 12 quốc gia từ khu vực châu Á - Thái Bình dương, châu Âu và châu Mỹ thường xuyên cử đoàn tham gia hoạt động tại Đại hội đồng (Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Đông Timor, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga, Belarus, Nghị viện châu Âu và Canada).

Tại thời điểm đó, tình hình thế giới và khu vực đã có những đổi thay nhanh chóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước tại Việt Nam giành thắng lợi đưa cục diện khu vực vào thời kỳ mới của hòa bình, xây dựng, cùng phát triển và thịnh vượng. Quá trình hòa hoãn giữa hai phe và giữa các nước lớn được hình thành. Mặt khác, cũng nhờ những tác động tích cực, những thành quả lớn lao về kinh tế - xã hội cũng như nhiều lĩnh vực khác đã đạt được tại khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái bình dương và trên thế giới. Với tinh thần đó, ngày 2.9.1977, tại Manila, thủ đô Philippines, năm Chủ tịch Nghị viện các nước sáng lập đã ký bản Điều lệ chính thức của Tổ chức.

Điều lệ AIPO quy định các mục tiêu của AIPO là thúc đẩy sự hợp tác của các Cơ quan lập pháp - Cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đề cao tinh thần hữu nghị, đoàn kết giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện để Chính phủ các nước thành viên ASEAN thực hiện các mục tiêu nêu trong Tuyên bố Bangkok năm 1967 của ASEAN.

Tới năm 2006, sau 30 năm hoạt động, với sự lớn mạnh của ASEAN và hệ thống lập pháp của các quốc gia thành viên, năm 2006, tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 27 (Manila, Philippines), AIPO chính thức đổi tên thành Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - AIPA.

Theo Điều lệ của AIPA, hàng năm, Đại hội đồng họp một lần do Nghị viện một quốc gia thành viên đảm nhận cương vị Chủ tịch AIPA (thứ tự luân phiên xếp theo vần chữ cái tiếng Anh) đăng cai tổ chức. Từ khi thành lập tới nay, AIPA đã tổ chức được 40 Kỳ họp Đại hội đồng. Kỳ họp thứ 41 sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong một vài ngày tới đây, từ 8 - 10.9.2020, cũng là năm Quốc hội nước ta đảm trách nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA. Như vậy, kể từ khi gia nhập tới nay, đây là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm đương cương vị lãnh đạo và tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng của AIPA tại Việt Nam.

Gia nhập ASEAN, AIPO - khởi đầu cho hội nhập sâu rộng của Việt Nam

Ngày 18.9.1995, tại Singapore, trong Phiên toàn thể Kỳ họp Đại hội đồng thứ 16, AIPO đã long trọng tiến hành lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam. Trước đó, ngày 28.7.1995, tại Brunei, Việt Nam đã chính thức gia nhập ASEAN. Như vậy quá trình Quốc hội ta gia nhập AIPA luôn gắn liền với quá trình nước ta gia nhập ASEAN.

Trở lại lịch sử, cần phải nói thêm rằng, ý tưởng gia nhập các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và sớm triển khai các bước hội nhập khu vực. Tuy nhiên, vào thời điểm mà thế giới và khu vực còn mang nặng định kiến chiến tranh lạnh, nước ta bị bao vây cấm vận, chưa bình thường hóa được với tất cả các cường quốc trên thế giới thì quá trình này gặp không ít khó khăn. Ngay từ năm 1980, tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 3 (Jakarta, Indonesia), vấn đề tham gia của Việt Nam, Lào và Campuchia đã được đưa ra thảo luận. Đương nhiên, khi đó những định kiến về ý thức hệ, những tàn dư của chiến tranh lạnh còn khá nặng nề, kéo dài dai dẳng suốt 15 năm nữa, tới năm 1995, mãi khi ta hóa giải được mọi vấn đề và Việt Nam trở thành thành viên ASEAN thì Quốc hội ta mới chính thức gia nhập tổ chức này.

Bước đột phá cho Việt Nam gia nhập ASEAN là việc nước ta bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995. Tôi muốn đề cập tới câu chuyện này vì, Quốc hội ta, thông qua các đại biểu của mình tại các cuộc tiếp xúc không chính thức với các nghị sỹ và các chính trị gia Hoa Kỳ, đã góp phần quan trọng cho việc mở cửa quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Như vậy, thông qua ngoại giao nghị viện, Quốc hội ta đã tham gia và đóng góp từ rất sớm vào quá trình bình thường hóa Việt Nam - Hoa Kỳ. Một số đại biểu Quốc hội của ta đã trực tiếp tham gia đối thoại với các nghị sĩ, chính giới Hoa Kỳ. Trong đó, nổi bật là 4 cuộc đối thoại: Cuộc đối thoại lần thứ nhất, năm 1990, tại Bali, Indonesia; Đối thoại lần thứ hai, năm 1991 tại Jamaica; Đối thoại lần thứ ba, năm 1992, tại Fiji; Đối thoại lần thứ tư, năm 1993 tại Hawaii, Hoa Kỳ. Đầu năm 1995, trước khi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa, Đoàn Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ta do Chủ nhiệm UB Hoàng Bích Sơn dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc không chính thức tại Hoa Kỳ, tiếp xúc rộng rãi với nhiều nghị sĩ và chính giới nước này, hoàn tất những nỗ lực cuối cùng của hai bên trước khi đi đến chính thức bình thường hóa. Và, sau khi ta bình thường hóa với Hoa Kỳ thì tiếp theo là quá trình gia nhập ASEAN rồi AIPO… khởi đầu cho toàn bộ quá trình hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Anh Phương ghi