Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay

Bài 1: Những thách thức trong thời đại mới

- Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:56 - Chia sẻ

LTS: Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch ra sức phản bác quan điểm, đường lối của Đảng, phủ định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Từ số báo này, Báo Đại biểu Nhân dân đăng tải loạt bài “Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay” của TS. Nhị Lê để thêm những kiến giải thuyết phục về con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Dù thế giới biến đổi thế nào, bất chấp những ai đó muốn hay không, chủ nghĩa xã hội sau bao thăng trầm, thành bại, vẫn hiện tồn và phát triển như một thực thể to lớn, không ai có thể phủ nhận, với hơn 1,5 tỷ người, tại các quốc gia từ Á sang Mỹ Latin. Nó vẫn là con đường phát triển hiện thực lịch sử tất yếu của nhân loại, mặc dù ngày càng đầy gập ghềnh, trắc trở và vô vàn thách thức, như nó đã trở thành thực tế tất yếu từ hơn 100 năm trước, tiếp tục đang là của hiện tại và nhất định là sự phát triển tương lai của nhân loại. 

Từ yêu cầu từ sự phát triển của lịch sử

Chủ nghĩa xã hội sinh ra và phát triển một cách tự nhiên và tất yếu, để gánh vác các nhiệm vụ dọn dẹp, giải quyết tất cả những gì đang chà đạp lên nền độc lập của các dân tộc dưới mọi hình thức, xâm hại quyền tự quyết của các dân tộc, nô dịch con người bằng mọi thủ đoạn mà các chế độ trước nó gây nên, từ chế độ phong kiến còn di tồn tới chủ nghĩa tư bản đang hoành hành, lũng đoạn nhân loại, mà các nhân tố, lực lượng tiến bộ trong lòng chúng đang làm dang dở hoặc không thể đủ sức giải quyết chúng về mặt lịch sử nhằm kiến tạo chế độ xã hội mới của mình, trên phương diện hiện thực; và mở ra triển vọng phát triển tất yếu của loài người. Đó là logic phát triển tự nhiên.

Sau hơn 100 năm phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực trên nền móng chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử luôn và càng cho thấy vị trí, vai trò, với tư cách là người mở đường, ở đây với tư cách là động lực lịch sử của cuộc đấu tranh trên phương diện tư tưởng, lý luận. Đó là điều không ai có thể bôi nhọ và phủ nhận được. Không phải ai khác mà chính những chính trị gia và các học giả tư sản thừa nhận điều này. Trong cuốn sách “1999 - cuộc chiến thắng không cần chiến tranh”, ông R. Nixon, nguyên Tổng thống Mỹ, từng thừa nhận: “Sự phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XX không phải là chủ nghĩa thực dân tuyên cáo kết thúc hoặc chủ nghĩa dân chủ có bước tiến lên, mà là chủ nghĩa cộng sản cực quyền vùng dậy”.

Và, vì thế, chúng ta không tưởng tượng ra điều đó và càng không ảo tưởng về sự nguội tắt của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận lần này, như ai đó mới đây rêu rao. Nó là một phần tất yếu của cuộc cách mạng XHCN, hơn 200 năm nay, và cũng như của mọi cuộc cách mạng mang tính thời đại từ xưa tới nay - điều mà kẻ thù tư tưởng và đồng minh của nó luôn sợ hãi nhất và chống phá điên cuồng và thâm độc nhất, nhằm thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Xét cho cùng, đối với chúng ta, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay chính là bộ phận tiên phong của cách mạng XHCN - cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội và con đường XHCN Việt Nam hiện thực một cách khoa học và cách mạng. Vì thế, đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, có tính chất sinh tử. Mơ hồ về điều đó sẽ mất phương hướng và chắc chắn sẽ thất bại. 

Và, càng gần đây, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, cuộc đấu tranh trên không gian mạng mở rộng không chỉ về quy mô mà còn phức tạp về tính chất và gia tăng về tốc độ. Những kẻ cơ hội, xét lại, những thế lực thù địch đang tìm mọi thủ đoạn lẩn khuất, chui sâu, leo cao, nội công làm phân hóa trong chính bộ máy của chúng ta; đồng thời, sự thoái hóa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong của một số phần tử trong đội ngũ chúng ta khiến cho sự phức tạp của trận địa tư tưởng, lý luận vốn khó đoán định, khó nhận diện về các lực lượng chống đối, về các thủ đoạn của các đối tượng càng đa dạng, càng nguy hiểm và khốc liệt về mức độ và càng mang ý nghĩa sinh tử. Buông lơi hay thúc thủ trong cuộc đấu tranh này, nhất định đổ vỡ và bị lịch sử đào thải theo quy luật. 

Đó là thách thức mang tầm vóc lịch sử đối với chủ nghĩa xã hội và con đường XHCN Việt Nam hiện nay và tương lai.  

Để xứng đáng là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tự nó phải phủ định nó một cách biện chứng     

 Về phương diện lịch sử, chủ nghĩa tư bản trải qua 500 năm phát triển, sau khi nó đánh quỵ các chế độ phong kiến khắp châu Âu, tiếp tục bành trướng ra khắp thế giới và làm mưa làm gió đời sống chính trị toàn cầu. 

Nhưng, soát xét lại lịch sử, để trở thành một thực thể chính trị xã hội lịch sử hùng mạnh như hiện nay, ai cũng thấy, sau khi chiến thắng chế độ phong kiến và phát triển cho tới ngày nay, nó từng vật vã trườn qua 5 cuộc khủng hoảng có tính hệ thống, tính chu kỳ và mang tính chất sống còn, trên quy mô toàn cầu; và nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ, khu vực khác không mang tính chu kỳ. Và, dường như, bất cứ ai cũng đều thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, thất bại, chủ nghĩa tư bản càng lớn mạnh hơn, càng tỏ rõ vị trí và vai trò lịch sử của nó đối với sự phát triển của thế giới.  

Vì sao chủ nghĩa tư bản chưa cáo chung như nhiều người tưởng tượng và chờ mong?  

Luận đề đó chính là một trong những thách thức thậm chí thành bại ở đây, đối với công tác tư tưởng, lý luận XHCN và nhất định phải giải quyết, nếu muốn chủ nghĩa xã hội phát triển tất yếu và khoa học theo xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Do rất nhiều nguyên nhân, ở đây, có thể nói gọn lại rằng, một cách tự nhiên chủ nghĩa tư bản sinh ra, phát triển và nó sẽ chết một cách tự nhiên theo quy luật tất yếu. Nhưng, sau những lần khủng hoảng, nó gượng dậy, tiếp tục lớn mạnh và vẫn chưa đi tới giai đoạn suy tàn tột cùng của sự phát triển của nó, trong khi nhiều người và nhiều thời do chủ quan, nôn nóng, lại chưa chuẩn bị đầy đủ tất cả những điều kiện lịch sử có tính thời đại để khai tử cho nó theo quy luật. Từ đó, sự hoài nghi, thậm chí hoang mang trước số phận và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản, vô hình đã bóp nghẹt, thậm chí giết chết về mặt tư tưởng, lý luận của một số người đối với chủ nghĩa xã hội, khiến họ “trở cờ” quay ra nghi ngờ, phản bội chủ nghĩa xã hội và ủng hộ “cái trật tự vĩnh hằng” do chủ nghĩa tư bản sắp đặt, tưởng tượng và rêu rao. 

Đồng thời với câu hỏi đó, câu hỏi thứ hai cũng một cách tự nhiên rằng, chủ nghĩa xã hội sinh ra từ đâu và có khủng hoảng không?            

Một cách tất yếu, chủ nghĩa xã hội nảy nở và phát triển từ chính bản chất và tiền đồ của chính chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, chính chủ nghĩa tư bản - cái “tất yếu nhất thời” của lịch sử, như chính K. Marx nói - đã chuẩn bị đầy đủ chỗ và điều kiện cho chủ nghĩa xã hội hoài thai, sinh hạ và phát triển ngay trong lòng nó, một cách không thể cưỡng được. Và, chủ nghĩa xã hội, về mặt lịch sử, kể từ khi trở thành một khoa học, nó mới trải qua hơn 200 năm; trong đó hơn 100 năm trở thành hiện thực. Và, chỉ trong 200 năm đó, nó trải qua 4 lần khủng hoảng; và, lần gần đây nhất, lần thứ năm, nặng nề nhất, vào những năm 90 của thế kỷ XX.  

Có thể nói, đây là cuộc động đất lịch sử, làm đảo lộn tất cả. Nó khiến cho một loạt thể chế các quốc gia XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, tạo ra một khoảng trống bi kịch mang tính thế kỷ, những người cộng sản chuốc lấy sự thất bại với tầm vóc thế giới, để lại những di họa khôn lường trên nhiều phương diện. Nó mở ra cơ hội ngoài ý muốn của chủ nghĩa tư bản thế giới, khiến nó vùng dậy tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, truy đuổi những người cộng sản và các đảng cộng sản và công nhân, công kích phong trào XHCN, phá hoại phong trào cánh tả, bành trướng sức mạnh, siết chặt vòng chế ngự các dân tộc trên thế giới và nô dịch nhân loại… như bất cứ ai đều thấy. Nó mệnh hệ tới sự thăng trầm, còn mất của nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị XHCN; làm cho tính chỉnh thể hệ thống XHCN bị chấn động và đổ vỡ, cấp bách đòi hỏi phải đổi mới và cải cách toàn diện: Từ tâm lý chính trị, đổi mới tư duy chính trị tới cấu trúc lại hệ thống và chỉnh đốn lại lực lượng… trước hết và trực tiếp ở đây về vị thế, vai trò, trách nhiệm của công tác tư tưởng, lý luận XHCN. Về điều này, không có gì lạ cả. Ngay từ năm 1918, V. I. Lenin từng tiên liệu và cảnh báo, rằng: Nếu chính quyền Xô-viết bị chủ nghĩa đế quốc liên minh đè bẹp, trong trường hợp xấu nhất ấy, những sách lược Bolshevik cũng không vì thế mà không có ích lợi to lớn cho chủ nghĩa xã hội và giúp cho sự lớn mạnh của cách mạng thế giới vô địch.

TS Nhị Lê