Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy

- Thứ Sáu, 24/06/2022, 12:49 - Chia sẻ

Ngày 24.6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ năm, với chủ đề "Cùng nhau giải quyết thách thức vì một ASEAN không ma túy", do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy

Tham dự có: Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kittisethabindit Cheam Yeap; các nghị sĩ đại diện cho 8 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; các quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) và cơ quan quốc gia về đấu tranh phòng, chống ma túy của Campuchia (NACD).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh, hiểm họa ma túy trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây ra những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội đối với tất cả các quốc gia. Buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy không chỉ là vấn nạn cấp bách mà còn là mối đe dọa an ninh phi truyền thống mà các khu vực và toàn thế giới đang phải đối mặt.

Báo cáo mới đây của UNODC đã cảnh báo, buôn bán ma túy tổng hợp tiếp tục mở rộng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, với việc sản xuất và buôn bán tăng lên mức kỷ lục vào năm 2021. Do đó, Tổng Thư ký AIPA nhấn mạnh, các hoạt động phân phối và buôn bán ma tuý đang đặt ra thách thức lớn đối với ASEAN, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Tổng Thư ký AIPA cho biết, Kế hoạch Công tác của ASEAN về bảo vệ cộng đồng chống tệ nạn ma túy giai đoạn 2016 - 2025 đã được triển khai hiệu quả, giải quyết các hoạt động ma túy bất hợp pháp, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của ma túy và tăng cường nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 trên thị trường ma túy nhằm đưa ra phản ứng phù hợp thông qua tăng cường hợp tác song phương quốc tế.

“Mặc dù chúng ta đã thấy được sự tiến bộ của Kế hoạch làm việc này, nhưng các mục tiêu về một ASEAN không có ma túy sẽ khó hoàn thành vì Đông Nam Á tiếp tục được xác định là thị trường ma túy bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới”. Nêu vấn đề này, Tổng Thư ký AIPA cho biết, hiện nay có một số rào cản, thách thức và khó khăn trong chống buôn bán ma tuý xuyên quốc gia, vì vậy, các nước cần tăng cường hiệu quả hợp tác khu vực trong các hoạt động thực thi pháp luật, vốn tiếp tục được tái khẳng định là các ưu tiên trụ cột trong Kế hoạch Công tác ASEAN giai đoạn 2016 - 2025.

Nhằm hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của khu vực, các nghị viện thành viên AIPA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cung - cầu ma túy bất hợp pháp thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách phòng ngừa dựa trên bằng chứng và vận động triển khai các chương trình giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tư pháp, thực thi pháp luật và y tế.

toàn cảnh hội nghị - ảnh: Thanh Chi
Quang cảnh Hội nghị
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy
Quang cảnh Hội nghị

Tổng Thư ký AIPA tin tưởng rằng, hội nghị lần này là diễn đàn để các nước thành viên AIPA cập nhật tiến trình tổng thể và những thách thức đối với các nỗ lực kiểm soát ma túy cũng như việc thực hiện các nghị quyết đã được AIPA thông qua ở các nước kể từ cuộc họp Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) gần đây nhất vào tháng 5. 2021, trong đó tái khẳng định hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA nhằm hướng tới một ASEAN không có ma túy.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm; báo cáo của ASEAN về ma túy; báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA về tình hình ma túy và việc thực hiện các biện pháp kiểm soát ma túy; thảo luận và góp ý về dự thảo Nghị quyết AIPACODD 5.

Thay mặt Đoàn ĐBQH Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về tình hình phòng, chống ma túy tại Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy đối với việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này nói chung, trong đó có Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21.12.2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; các quy định pháp luật khác có liên quan đến cai nghiện ma túy… Các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đặc thù tệ nạn ma túy của địa phương mình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, về cơ bản, các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy đã đáp ứng được với tình hình thực tiễn, góp phần đẩy mạnh đấu tranh tội phạm và nâng cao hiệu quả điều trị, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người cai nghiện trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy tại địa phương cũng như trong quá trình tham gia cai nghiện ma túy… Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục trong thực tiễn, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19 và nguồn lực còn hạn chế nên công tác này vẫn còn gặp khó khăn.

Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, để làm tốt công tác nắm tình hình và phòng, chống ma túy, Việt Nam cần triển khai các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn Luật sớm được thi hành và đi vào cuộc sống; chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ… Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với Lào, Trung Quốc, Campuchia; thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, thông qua chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới, duy trì và mở rộng các dự án, chương trình; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực nhằm đối phó với vấn đề ma túy thế giới và khu vực một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh, cần tăng cường gắn kết giữa hội nghị AIPACODD với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về kiểm soát ma túy như: Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD), Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD).

Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và báo cáo hội nghị AIPACODD 5 để trình Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 xem xét thông qua.

Tin và ảnh: Thanh Chi
#