Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Đại biểu Nhân dân

- Thứ Hai, 20/03/2023, 21:24 - Chia sẻ

Ngày 8.11.2022, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-VPQH Quyết định Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Đại biểu Nhân dân. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu một số nội dung cơ bản của Quyết định.

QUYẾT ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Đại biểu Nhân dân


CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội;

Theo đề nghị của Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân và Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Báo Đại biểu Nhân dân

1. Báo Đại biểu Nhân dân là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại số 35 Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

2. Báo Đại biểu Nhân dân là Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri, là báo loại I, có chức năng thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền về chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ngoại giao nghị viện; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri; định hướng dư luận xã hội; đấu tranh, phê phán các tư tưởng sai trái, thù địch; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giới thiệu chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới; phổ biến, hướng dẫn thực thi pháp luật trong cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao quyền làm chủ đất nước của Nhân dân; thực hiện các hoạt động tuyên truyền chuyên đề cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn

a) Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về các nội dung sau đây:

- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tình hình thực thi luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch
Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

- Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử;

- Kinh nghiệm có chọn lọc về tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới;

- Những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước;

- Các thông tin văn hóa- văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của các đại biểu dân cử và cử tri.

b) Tổ chức diễn đàn, phản ánh ý kiến của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri, bao gồm các hoạt động:

- Tổ chức đối thoại về những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được bạn đọc, cử tri quan tâm;

- Phản ánh sáng kiến, đề xuất của đại biểu dân cử về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp;

- Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

c) Thực hiện việc đấu tranh, phê phán các tư tưởng sai trái, thù địch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bao gồm:

- Nhận định và bình luận kịp thời những vấn đề, sự kiện trong nước và quốc tế theo quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước;

- Đấu tranh kiên quyết, chủ động, kịp thời, sắc bén và có sức thuyết phục chống lại những luận điệu và hành động của thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta;

- Đấu tranh kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, chính xác, đúng pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác.

d) Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo:

- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo trên các ấn phẩm Báo Đại biểu Nhân dân theo quy định;

- Thực hiện các hoạt động quảng cáo nhằm quảng bá hình ảnh, con người và thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước;

- Thực hiện tuyên truyền chuyên đề các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các hoạt động của doanh nghiệp…;

- Tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, các sự kiện... nhằm tuyên truyền và góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh, nâng cao uy tín, vị thế của Báo Đại biểu Nhân dân.

đ) Quản lý viên chức, người lao động của Báo Đại biểu Nhân dân theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Văn phòng Quốc hội.

e) Triển khai và thực hiện các dự án thuộc Báo Đại biểu Nhân dân khi được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giao.

g) Xây dựng đơn giá thực hiện đặt hàng đối với nhiệm vụ tăng thêm được cấp có thẩm quyền giao (nếu có) trình Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội quyết định.

h) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và do Lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội giao.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức

Báo Đại biểu Nhân dân có 6 Ban và có 5 Phòng trực thuộc Ban, gồm:

1. Ban Thư ký Tòa soạn;

2. Ban Thời sự- Chính trị;

3. Ban Công tác Hội đồng nhân dân và Phóng viên thường trú;

4. Ban Chuyên đề;

5. Ban Trị sự;

Ban Trị sự có 03 phòng, gồm:

a) Phòng Kế toán - Tài chính;

b) Phòng Tổ chức - Hành chính;

c) Phòng Kỹ thuật.

6. Ban Điện tử Đại biểu Nhân dân.

Ban Điện tử Đại biểu Nhân dân có 02 phòng, gồm:

a) Phòng Bạn đọc;

b) Phòng Biên tập và Sản xuất chương trình.

Điều 3. Lãnh đạo

1. Báo Đại biểu Nhân dân có Tổng Biên tập và không quá 03 Phó Tổng biên tập.

a) Tổng Biên tập và các Phó Tổng biên tập do Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

b) Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Báo Đại biểu Nhân dân; các Phó Tổng biên tập giúp việc Tổng Biên tập và chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công.

2. Ban trực thuộc Báo Đại biểu Nhân dân có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Số lượng Phó Trưởng ban như sau:

a) Ban có từ 20 biên chế người làm việc trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó.

b) Ban có trên 20 biên chế người làm việc được bố trí không quá 03 cấp phó.

 Trưởng ban và Phó Trưởng ban do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Phòng trực thuộc Ban có Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng như sau:

a) Phòng có từ 07 đến 09 biên chế người làm việc được bố trí 01 cấp phó.

b) Phòng có từ 10 biên chế người làm việc trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó.

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Tổng Biên tập bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

4. Tổng Biên tập được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1,25; Phó Tổng biên tập được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1,05; Trưởng ban được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,9; Phó Trưởng Ban được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7; Trưởng phòng trực thuộc Ban được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,5; Phó Trưởng phòng trực thuộc Ban được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,3.

#