Tản mạn

Sứ giả hòa bình

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:08 - Chia sẻ
Để chuẩn bị cho những thử thách đó, họ đã phải trải qua cuộc diễn tập bằng cách bị ném vào cái nắng cháy da của Ninh Thuận hay những cơn mưa rừng của Đắk Nông… cho quen. Phải học những kỹ năng xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, rồi cách tự cứu mình trong cơn đói khát ở sa mạc...

Trong ảnh là chị Vũ Thị Thùy Trang, nhân viên khoa Sản, Bệnh viện Quân y 175, đang bịn rịn chia tay chồng là Trung úy Nguyễn Văn Tám, người vừa lên đường đến Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Họ cưới nhau mới được bốn tháng và chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Anh Nguyễn Văn Tám là 1 trong số 63 chiến sĩ vừa lên đường sang Nam Sudan để làm việc trong một bệnh viện dã chiến.

Nam Sudan, một quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới, vừa thành lập cách đây 10 năm, sau 50 năm xung đột triền miên. Đặt chân đến Nam Sudan là lao vào một nơi mà ban ngày có thể nóng đến 50 độ C nhưng đến đêm có thể xuống còn 8 độ C. Khoảng 13 triệu dân tại quốc gia Đông Phi này luôn luôn sống trong đói nghèo, bệnh tật và đối mặt với xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài. Tồn tại được ở một nơi như thế đòi hỏi khả năng chịu đựng lẫn thích nghi cực lớn.

Các bác sĩ của Bệnh viện 175 sang đó phải đối diện với sốt rét, HIV và những cuộc tấn công của phiến quân. Leo lên trực thăng đi công tác có thể "ăn" tên lửa như chơi. Đi sang giúp người, mà người dặn ta ra ngoài chớ nhìn thẳng vào mắt thổ dân, đừng có động thái nào gây hiểu lầm là sử dụng vũ khí. Nếu không có thể bị khủng bố bất cứ lúc nào.

Nếu không phải là những bác sĩ được trui rèn trong môi trường quân đội của Bệnh viện 175, có lẽ sẽ không trụ nổi. Thế nhưng chính họ, để chuẩn bị cho những thử thách này, cũng phải trải qua cuộc “diễn tập” bằng cách bị ném vào cái nắng cháy da của Ninh Thuận và những cơn mưa rừng của Đắk Nông… cho quen. Họ phải học những kỹ năng như cách xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, rồi cách tự cứu mình trong cơn đói khát ở sa mạc. Chưa kể, IELTS phải từ 5,5 trở lên. Từ khi bắt đầu đào tạo đến giai đoạn gần hoàn thiện, cá nhân đủ tiêu chuẩn được chọn đi Nam Sudan chỉ còn khoảng một nửa. Nhưng khó khăn nhất tất nhiên là phải xa gia đình. Trong 63 chiến sĩ lên đường đợt này, có người chồng phải xa vợ và đứa con sắp chào đời, có người cha phải xa đứa con còn đang học mẫu giáo, có người vợ chia tay chồng mới cưới, có cô gái tạm biệt người yêu.    

Trong những người bị rớt trong cuộc sát hạch, có người đã khóc. Với họ, sang Nam Sudan là “cơ hội mà không phải ai cũng có được”. Cơ hội gì vậy? Cơ hội để nhìn thấy ngành y của Việt Nam có ý nghĩa thiêng liêng như thế nào ở một nơi mà rắn cắn hay sốt rét cũng có thể gây chết người. Cơ hội để được trưởng thành thực sự khi tách khỏi môi trường sống quen thuộc. Cơ hội để trả lời xem rốt cục mục đích hiện diện của ta trên đời là gì...

Trần Minh