Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Sử dụng hiệu quả các “quyền năng” để kiến tạo phát triển

- Thứ Hai, 19/07/2021, 11:00 - Chia sẻ
Bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG nhấn mạnh, những thách thức đối với đất nước trong giai đoạn tới đòi hỏi Quốc hội phải sử dụng hiệu quả 3 quyền năng đặc biệt quan trọng về xây dựng thể chế, về phân bổ nguồn lực quốc gia, về giám sát tối cao đối với hoạt động của bộ máy nhà nước để tiếp tục tạo lập các khuôn khổ thể chế kiến tạo sự phát triển, vì lợi ích của Nhân dân.

Áp lực lớn nhưng không bị động

- Ngày mai, 20.7, Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Thời gian kỳ họp rút ngắn 5 ngày so với dự kiến ban đầu nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng hoạt động của Quốc hội và an toàn phòng, chống dịch Covid - 19. Đây là áp lực rất lớn đối với công tác chuẩn bị cho kỳ họp, thưa ông?

- Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở các địa phương trong cả nước. Cũng có nhà báo đặt vấn đề với tôi là tại sao dịch như thế mà không hoãn kỳ họp hoặc tiến hành họp trực tuyến như các kỳ họp gần đây. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội thì kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới phải được tổ chức chậm nhất 60 ngày sau ngày bầu cử. Do đó, chúng ta không thể hoãn kỳ họp muộn hơn.

Mặt khác, đây là kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội Khóa XV mà còn là nền móng cho hoạt động của bộ máy nhà nước với việc Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; đồng thời, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xác lập các khuôn khổ, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách, đầu tư công, kế hoạch vay - trả nợ công, chương trình lập pháp và chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội…

Đây đều là những vấn đề hệ trọng, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, việc Quốc hội họp để quyết định các vấn đề này chính là để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid - 19 vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Nói như vậy để thấy rằng, dù dịch Covid - 19 có diễn biến phức tạp thì chúng ta vẫn phải nỗ lực tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Công tác chuẩn bị kỳ họp trong bối cảnh dịch bệnh đứng trước nhiều khó khăn, áp lực nhưng không hề bị động. Từ tháng 6 vừa qua, đồng chí Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan hữu quan (nhất là Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội) để nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, kịch bản chi tiết, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, từ đó lựa chọn phương án phù hợp với quyết tâm cao nhất tổ chức thành công Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV.

- Như ông chia sẻ, có thể yên tâm khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với Kỳ họp thứ Nhất đã được bảo đảm ở mức độ cao nhất. Dù vậy, với tính chất của kỳ họp đầu tiên, nhiều đại biểu mới trúng cử lần đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động nghị trường trong khi phải nhập cuộc ngay, quyết định ngay những vấn đề rất hệ trọng. Theo ông, có những vấn đề gì cần tiếp tục lưu ý trong quá trình tổ chức kỳ họp để bảo đảm các yêu cầu đặt ra?

- Các đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu có thể bỡ ngỡ tại kỳ họp đầu tiên là thực tế khó tránh khỏi. Do diễn biến của dịch Covid - 19, công tác tập huấn kỹ năng hoạt động cho các đại biểu mới cũng còn ít. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động và quyết tâm tổ chức thành công kỳ họp, công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội đã được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ví dụ với các kế hoạch 5 năm về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo chủ trương đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình lập pháp, giám sát năm 2022 của Quốc hội… Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp, làm việc từ sớm, từ xa rất chặt chẽ với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ.

Từng nội dung đều được thảo luận kỹ lưỡng qua nhiều cuộc họp, phiên họp, có kết luận rõ ràng để tiếp thu, hoàn thiện. Thậm chí, các kế hoạch 5 năm đã được Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, đạt được sự đồng thuận cao trước khi trình Hội nghị Trung ương cho ý kiến, sau đó, trên cơ sở ý kiến của Trung ương, các tờ trình, báo cáo thẩm tra tiếp tục được hoàn thiện. Với sự chuẩn bị như vậy sẽ giúp đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu, tiếp cận nhanh chóng, có đủ thông tin, đủ cơ sở để quyết định đúng đắn các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Tất nhiên, trong quá trình tiến hành kỳ họp cũng có một số vấn đề phải quan tâm. Ví dụ, công tác tổ chức, nhân sự là nội dung đặc biệt quan trọng, phải thực hiện qua nhiều bước trong quy trình và đòi hỏi rất khẩn trương nhưng phải bảo đảm chính xác. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị rất chu đáo, kiểm tra kỹ lưỡng về hồ sơ nhân sự, các loại phiếu bầu, các báo cáo giải trình, tiếp thu phải chặt chẽ, thuyết phục. Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan để kịp thời tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, không để xảy ra sai sót, chậm trễ trong bất cứ khâu nào (từ thu biên bản họp Đoàn, giải trình ý kiển, phát phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu...).

Hay việc thảo luận, quyết định các kế hoạch 5 năm do rút ngắn thời gian họp nên cũng phải bố trí chương trình rất sát sao, khoảng cách từ khi thảo luận ở hội trường đến biểu quyết thông qua là rất ngắn, không có nhiều thời gian cho việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Do đó, các cơ quan của Quốc hội cũng phải sẵn sàng làm việc ngoài giờ, tranh thủ thời gian sau giờ họp Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý. Vừa qua, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức các đơn vị chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thư ký, ghi biên bản, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ. Điều này cũng sẽ giúp ích cho quá trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý các nội dung trình Quốc hội.

Xác định đúng vị thế và tâm thế trên nghị trường

- Quốc hội bước vào nhiệm kỳ mới với nền tảng rất quan trọng là niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước thể hiện sâu đậm qua cuộc bầu cử vừa qua nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, theo ông, Quốc hội Khóa XV cần ưu tiên những vấn đề gì?

- Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ những ưu tiên chiến lược của đất nước trong 5 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045. Phải khẳng định rằng, những phân tích, đánh giá của Đảng ta tại Đại hội đến nay rất đúng đắn. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV là phải nhanh chóng bắt tay vào việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt là các vấn đề rất mới về chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả, thực chất 3 đột phá chiến lược với tư duy và tầm nhìn mới đã được đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, cần tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện có, nhất là trong các lĩnh vực còn vướng mắc, lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc đang tạo ra những điểm nghẽn, những rào cản đối với sự phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 có thể sẽ còn kéo dài, Quốc hội phải sử dụng hiệu quả 3 quyền năng đặc biệt quan trọng về xây dựng thể chế, về phân bổ nguồn lực quốc gia và về giám sát tối cao đối với hoạt động của bộ máy nhà nước để tiếp tục tạo lập các khuôn khổ thể chế kiến tạo sự phát triển, để từng nguồn lực quốc gia đều phục vụ cho sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của Nhân dân.

- Nếu có một thông điệp, một kỳ vọng gửi đến các đại biểu Quốc hội Khóa XV, ông sẽ nói điều gì?

- Tôi mong rằng mỗi đại biểu Quốc hội Khóa XV dù là đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm, dù đại biểu ở Trung ương hay địa phương, dù mới trúng cử lần đầu hay đã dạn dày kinh nghiệm hoạt động nghị trường… đều nhớ rõ mình là đại biểu của dân, mọi hoạt động, mọi lời nói và quyết định đều phải xoay quanh lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Xác định đúng vị thế, tâm thế trên nghị trường, tôi tin rằng, mỗi đại biểu sẽ có những đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện