Sử dụng đất quốc phòng hiệu quả

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 06:32 - Chia sẻ

Nghị quyết số 132/2020/QH của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vừa được công bố đã quy định quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Có hiệu lực từ ngày 1.2.2021, Nghị quyết được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm quản lý, sử dụng đất quốc phòng hiệu quả.

Nghị quyết nêu rõ: việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính. Trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết…

Để quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, chúng ta đã có những quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do còn có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát nên đã xảy ra những sai phạm. Nhiều khu “đất vàng” đã được phù phép trở thành đất của tư nhân. Điều đáng nói, không chỉ đất đai đô thị mà đất quốc phòng cũng đã bị rơi vào tay tư nhân chỉ vì sự buông lỏng, sai phạm trong quản lý. Vụ án liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến vừa qua là một bài học cảnh tỉnh trong việc cần phải “siết” lại việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Đây chỉ là một trong những trường hợp sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào công tác quản lý đất đai mà còn gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã thẳng thắn, nhiều lĩnh vực được giao quản lý và sử dụng đất lâu nay được coi là vùng cấm đó là đất quốc phòng, đất an ninh thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý, quản lý yếu kém, đã xảy ra các sai phạm lớn. Không chỉ gây thất thoát lãng phí về tài nguyên đất đai mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành, cần xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, ông Sinh đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Quốc hội cũng chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn có một số trường hợp buông lỏng quản lý, công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa đồng bộ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích. Trong nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội về cơ chế giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trên nguyên tắc ưu tiên việc sử dụng đất quốc phòng để phát triển các cơ sở quân sự.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH về thực hiện thí điểm có ý nghĩa rất lớn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời gian qua. Nghị quyết cũng xác định rõ nghĩa vụ đối với đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đó là phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm; không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất…

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý. Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết. Đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm.

Với những quy định của nghị quyết này, sẽ “siết” chặt việc quản lý đất quốc phòng, tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng hợp đồng liên doanh, liên kết để trục lợi.

Hà An