Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950):

Sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 06:40 - Chia sẻ

 

Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi ấy là kết quả hợp thành từ nhiều nhân tố, nhưng sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định.

Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược tiếp tục có sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cách mạng còn gặp nhiều khó khăn. Thực dân Pháp, có đế quốc Mỹ hậu thuẫn (thông qua kế hoạch Rơve), tăng cường hệ thống phòng ngự tại các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm “khóa chặt biên giới Việt - Trung”; đồng thời xây dựng “hành lang cơ bản” (Hải Phòng - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La) hòng cắt liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc của ta với đồng bằng Liên khu III, Liên khu IV.

Bối cảnh quốc tế lúc này có sự chuyển biến quan trọng. Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (ngày 1.10.1949) tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta có thể quan hệ trực tiếp với các nước xã hội chủ nghĩa, tiếp nhận viện trợ quốc tế. Từ tháng 1.1950, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ kháng chiến (Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và giải phóng Cao Bằng

Để tạo bước “đột phá” xoay chuyển cục diện chiến tranh, tháng 6.1950, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”(1). Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất.

Tháng 7.1950, Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục họp bàn, nêu quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên”(2); đồng thời quyết định chọn hướng tiến công chính ở Cao Bằng - Lạng Sơn, dựa trên những cơ sở: Thứ nhất, đây là địa bàn hiểm yếu, thuận lợi giao thông với Trung Quốc; Thứ hai, tuy quân Pháp trên tuyến phòng thủ Cao Bằng - Lạng Sơn đông (có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh), tổ chức thành những cụm cứ điểm mạnh dọc theo Đường số 4 (Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng...), nhưng các cụm cứ điểm này cách xa nhau (30 - 40km), thuận lợi cho ta chia cắt và “đánh điểm, diệt viện”; Thứ ba, địa hình rừng núi không quá hiểm trở, phù hợp với sở trường tác chiến của quân đội ta tại thời điểm này; Thứ tư, xét trên toàn tuyến biên giới, đây là địa bàn thuận lợi cho việc huy động nhân lực, vật lực.

Để bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, Trung ương Đảng huy động lực lượng lớn, gồm phần lớn các đơn vị cơ động chiến lược của Bộ: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174; phối hợp cùng lực lượng vũ trang Liên khu Việt Bắc và hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Lực lượng hậu cần có khoảng ba vạn người, cộng thêm 12 vạn dân công. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta.

Ngày 25.7.1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là có Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Sở chỉ huy.

Bên cạnh đó, Trung ương Đảng cũng giao nhiệm vụ cho các chiến trường đẩy mạnh hoạt động tại chỗ để phối hợp kiềm chế địch. Riêng trên hướng Tây Bắc, ta sẽ tiến công địch trước ở Lào Cai để nghi binh, thu hút sự chú ý của quân Pháp. Ngày 2.9.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chiến đấu, trong đó nêu rõ: “Chúng ta quyết đánh thắng trận này. Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm; các chiến sĩ các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc - Lạng”(3).

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 16.9.1950, ta tiến công cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. Đến sáng ngày 18.9, ta tiêu diệt toàn bộ quân phòng ngự, mở ra thời cơ thuận lợi đánh quân tiếp viện ứng cứu.

Bị mất Đông Khê, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định rút quân khỏi Cao Bằng theo đường số 4 với kế hoạch: Đưa một binh đoàn tiến lên chiếm lại Đông Khê do Le Page chỉ huy, để đón binh đoàn từ Cao Bằng rút về do Charton chỉ huy. Do vừa phải chuẩn bị, vừa thăm dò tìm hiểu ý định của đối phương, nên quân Pháp chưa thực hiện kế hoạch ngay.

Về phía ta, sau khi diệt cứ điểm Đông Khê, Bộ chỉ huy chiến dịch dồn lực lượng chuyển sang chuẩn bị đánh viện binh. Tuy nhiên, chờ đợi nhiều ngày mà chưa thấy quân Pháp cơ động, một số ý kiến (trong đó có thành viên Đoàn cố vấn Trung Quốc) đề nghị rút quân, kết thúc chiến dịch. Họ cho rằng: Địch sẽ không đưa quân tiếp viện. Nếu kéo dài thời gian, hậu cần không thể đáp ứng; sức khỏe bộ đội giảm sút. Hơn nữa, căn cứ Đông Khê địch chỉ có khoảng 1 tiểu đoàn chốt giữ mà quân ta (đông gấp 9 lần) phải đánh 3 ngày, thương vong cao; trong khi lực lượng địch ở Cao Bằng và Thất Khê đã được tăng cường (mỗi vị trí thêm 1 tiểu đoàn), như vậy rất khó giành thắng lợi.

Tuy nhiên, sau khi nghe Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch (trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) báo cáo, nhận thấy khả năng tiêu diệt quân địch vẫn còn, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh tiếp tục chiến dịch theo phương án: “Kiên trì chờ viện, đồng thời, chuẩn bị tiêu diệt Thất Khê theo kế hoạch”.

Đúng như dự đoán, ngày 30.9.1950, quân Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch hành quân. Binh đoàn Le Page tiến lên Đông Khê để đón binh đoàn Charton từ Cao Bằng rút về. Chớp thời cơ, từ ngày 1 đến 8.10.1950, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân địch tại khu vực ngoại vi Đông Khê. Quân Pháp hoảng loạn rút khỏi hàng loạt cứ điểm trên Đường số 4: Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập.

Ngày 14.10.1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Ta diệt và bắt hơn 8.000 quân địch, thu 3.000 tấn vũ khí, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh.

70 năm đã qua đi, song Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) mãi là dấu mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi ấy là minh chứng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Trung ương Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

----------

(1) Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.164.

(2) Dẫn theo: Chiến dịch tiến công Biên giới (Thu - Đông 1950), Viện Khoa học Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1976, tr.10.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.430.

TS. Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam