Song hành "nhiệm vụ kép"

- Thứ Hai, 09/08/2021, 05:12 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, thực hiện song hành "nhiệm vụ kép" chống dịch và chống suy giảm kinh tế là cần thiết; trong đó cần có giải pháp, có kịch bản cụ thể cho từng tình huống, từng giai đoạn để tránh đứt gãy sản xuất, lưu thông hàng hóa là rất quan trọng.

Cũng bởi vậy, tại buổi giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhấn mạnh rằng, hiện Bộ Công thương đã cam kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cam kết bảo đảm lương thực, thực phẩm, rau quả... nên tuyệt đối ngành giao thông vận tải phải bảo đảm việc vận chuyển, lưu thông...

Thực tế, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng cho sản xuất luôn thường trực bởi nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân quan trọng là bởi cách làm chưa nhất quán giữa các địa phương, do thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa - “mạch máu” của kinh tế đất nước.

Phản ánh cụ thể hơn về vấn đề này, tại hội thảo về việc duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn ra vừa qua, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam đã ví von rằng: Vận tải hàng hóa hiện nay giống như một ổ khóa nhưng có tới 4 chìa. “Chìa” đầu tiên là Bộ Y tế quy định lái xe phải có xét nghiệm âm tính. “Chìa” thứ hai là Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu mã nhận diện QR code và “luồng xanh”. “Chìa” thứ ba là Bộ Công thương quy định về hàng hóa thiết yếu, vận tải hàng hóa thiếu yếu. “Chìa” cuối cùng là chốt phòng dịch của các địa phương đang thực hiện giãn cách. 4 “chìa khóa” này gây khó khăn cho vận tải, khiến chi phí tăng và đã có thời điểm gây ách tắc.

Hay như tại buổi trao đổi trực tuyến với các hiệp hội và doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo do Cục Công nghiệp, Bộ Công thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng phương án sản xuất "3 tại chỗ" đang được một số địa phương áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là cơ sở hạ tầng không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn. Bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện. Điều đáng nói hơn nữa là khi có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện “3 tại chỗ” làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.

Đây là những vấn đề cần nhanh chóng giải quyết, vì theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nhiều địa phương hiện chỉ lo chống dịch chứ chưa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, trong khi cần xác định chống dịch và chống suy giảm kinh tế phải luôn song hành. Và để thực hiện được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng đã đến lúc cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. Thay đổi quan điểm coi các doanh nghiệp như một trong những lực lượng chủ chốt cùng phối hợp, thay vì là đối tượng chịu sự kiểm soát của chính quyền về phòng chống dịch. Chính quyền cần xây dựng, hướng dẫn quy trình chuẩn và cách xử lý cho từng trường hợp, phù hợp với diễn biến thực tế để doanh nghiệp chủ động sản xuất nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch.

Dự báo, dịch bệnh còn có nguy cơ kéo dài nên cần thiết phải có biện pháp thích ứng với mọi diễn biến, không nên quá "tả" hoặc quá "hữu" như đã từng diễn ra. Muốn vậy, điều cần thiết là phải có "kịch bản" thống nhất, áp dụng đồng bộ ở các địa phương.

Ninh Hà