Sớm xây dựng chương trình cụ thể, đúng trọng tâm trọng điểm

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:17 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp và những kỳ vọng về chương trình phát triển bền vững năm 2022” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều qua, các đại biểu cho rằng, để khắc phục rủi ro, tăng hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ phải thực hiện việc xây dựng chương trình cụ thể và đúng trọng tâm, trọng điểm như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, để dòng tiền của gói hỗ trợ phải đi đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

 “Hai mặt của tấm huy chương”

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua với quy mô gói hỗ trợ lên tới 350.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, dù được thực thi chỉ trong 2 năm nhưng sẽ có tác động cả cho trung và dài hạn. Đi liền với đó là những cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi được hệ thống doanh nghiệp cũng như toàn bộ hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện cho phát triển bền vững và tạo sức sống mới cho nền kinh tế.

Các đại biểu dự diễn đàn
Ảnh: Thanh Huyền

Dù vậy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng “tấm huy chương nào cũng có hai mặt” và cần nhìn nhận những rủi ro của chương trình này. Theo ông, có 4 rủi ro chính. Thứ nhất là khả năng hấp thụ có đúng và trúng? Thứ hai là nguy cơ thất thoát, áp lực về lạm phát. Thứ ba, tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách mà Quốc hội đã đề ra là không quá 1 - 1,5% mỗi năm. Thứ tư là nguy cơ dòng tiền này có thể chệch hướng sang đầu tư vào tài chính. Thực tế, rủi ro tài chính này đã xuất hiện trong 2 năm qua trên thế giới cũng như ở Việt Nam liên quan đến chứng khoán, tiền kỹ thuật số, bất động sản…

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc xác nhận, quyết sách của Quốc hội về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng đã tạo sự phấn khởi trong Nhân dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, “họ cũng thể hiện sự lo lắng về những rủi ro khi thực hiện chương trình này”, nhất là việc giải ngân, tiếp cận gói hỗ trợ vốn được thiết kế để áp dụng chỉ trong 2 năm.

“Rủi ro nhìn thấy rất rõ là những cân đối kinh tế vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng, nhất là về nguy cơ lạm phát. Trên thế giới các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… đều có lạm phát”, ông Phúc chia sẻ. Ngay như việc dòng tiền đi đúng đối tượng, đúng mục tiêu nhưng có hiệu quả không cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. “Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thực chất là tiền của Nhân dân nên cần thận trọng, kỹ lưỡng để đạt hiệu quả tốt nhất”.

Giám sát song hành thực thi

Theo các đại biểu, để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả như mong muốn cần phải giải quyết được những rủi ro trên.

Theo ông Võ Trí Thành, có 2 chỉ số rất quan trọng, gồm tăng trưởng thật so với mức tiềm năng và lạm phát thấp (2,8%). Để giảm áp lực lạm phát liên quan rất nhiều đến vấn đề kỹ thuật như cách huy động nguồn lực, phát hành trái phiếu hay mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương tự năm 2021, khoảng 13%. Như vậy, phải hiểu gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn nằm trong khung tín dụng đó chứ không phải mở rộng khung tín dụng.

Đối với các cân đối lớn vĩ mô, phải bảo đảm thâm hụt ngân sách trong vòng kiểm soát được; nợ công không vượt trần cho phép; dòng tiền trả nợ hàng năm so với thu ngân sách vẫn nằm trong ngưỡng. “Quan trọng là khi kinh tế phục hồi và phát triển thì trong 3 năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm này phải đưa ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn cả về lạm phát, thâm hụt ngân sách và nợ công”, ông nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng với một sự chuẩn bị khá chu đáo cả biện pháp kỹ thuật, giám sát, thông tin thì “hoàn toàn có thể kiểm soát được rủi ro”.

Cho rằng “phải chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định, có tính toán”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu khẳng định: “Những rủi ro này được tính toán khi thiết kế chính sách chứ không phải tính toán trong khâu thực thi. Rủi ro phụ thuộc vào mức độ tăng/giảm hiệu quả của chương trình này, tức càng hiệu quả thì càng giảm bớt rủi ro”.

Cũng theo ông Hiếu, việc công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu tất cả rủi ro và bản thân cơ quan, tổ chức thực hiện sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch đó. Do vậy, trong quá trình thực hiện, Chính phủ nên cân nhắc yếu tố về cơ chế giám sát thực hiện, có thể là tổ, nhóm, bộ phận làm việc này. Không thể thực hiện Chương trình này một mình mà phải liên ngành, kết hợp với chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh và kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế cũng như Nghị quyết phát triển kinh tế hằng năm của Quốc hội, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ.

“Vừa rồi, nhiều doanh nghiệp gọi điện cho tôi để hỏi rằng muốn hưởng chính sách hỗ trợ phải gọi cho ai. Tại sao chúng ta không lập một đường dây nóng duy nhất, có tổ chuyên môn hỗ trợ, tư vấn cho người dân, doanh nghiệp?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Để khắc phục rủi ro, tăng hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Văn Phúc đề xuất, trước hết Chính phủ phải thực hiện việc xây dựng chương trình cụ thể và đúng trọng tâm, trọng điểm như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, để dòng tiền của gói hỗ trợ phải đi đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Trong quá trình thực hiện không phải chờ đến khi có kết quả rồi mới sơ kết, tổng kết về giám sát mà phải giám sát suốt quá trình thực thi. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, tránh việc “ngâm vốn đầu tư công” đến cuối năm trả lại để an toàn. “Nếu còn tình trạng đó sẽ rất nguy hiểm và kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế”, ông Phúc chia sẻ.

M. Châu