Sớm ổn định cuộc sống người dân sau bão

- Thứ Hai, 16/11/2020, 05:40 - Chia sẻ
Chiều tối 15.11, bão số 13 (Vamco) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do làm tốt công tác chủ động ứng phó nên các địa phương đều giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Hiện chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Thừa Thiên Huế ra quân dọn dẹp

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 13 đã làm tốc mái 1.348 ngôi nhà ở huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà, nhiều công sở và trường học trên địa bàn tỉnh cũng bị gió thổi bay mái tôn, hàng rào, xô đổ trụ cổng. Cơn bão này cũng làm 90ha rừng trồng ở huyện Phú Lộc bị gãy đổ, hàng chục gia súc bị cuốn trôi. Hơn 61% số trạm biến áp bị mất điện.

Nhằm nhanh chóng trả lại cảnh quan môi trường và ổn định cuộc sống cho người dân, sáng 15.11, các địa phương đã nhanh chóng ra quân vệ sinh môi trường ở khu dân cư, công sở, trường học; dọn dẹp, dựng lại những cây xanh bị đổ, bật gốc. Ngành điện lực tỉnh cũng đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện để nhanh chóng khắc phục các sự cố để có thể cấp điện trở lại cho khách hàng trong chiều tối 15.11.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, do địa phương làm tốt công tác chủ động ứng phó với bão số 13 theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã giảm thiểu đáng kể mức độ thiệt hại do cơn bão này gây ra. Hiện nay, hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh huy động tối đa lực lượng trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Nước sông Hàn (Đà Nẵng) tràn lên mặt đường

Đà Nẵng: Nước sông Hàn tràn lên mặt đường

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng về thiệt hại do cơn bão số 13 gây ra cho biết, đêm 14 rạng sáng ngày 15.11, mực nước sông Hàn đã dâng cao, tràn lên bờ. Trên đường Như Nguyệt, đoạn gần cầu Thuận Phước, khoảng 800m vỉa hè bị sóng đánh gây hư hỏng, vỡ nát nhiều mảng gạch lát, đá sàn cảnh quan và sạt lở đoạn lan can dài 48m. Tại các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, sóng gió đánh bật nhiều rác, đất cát lên mặt đường, một số pano, đèn trang trí, biển báo bị gãy đổ. Ngay trong sáng 15.11, lực lượng chức năng đã khẩn trương dọn dẹp,  bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại các tuyến đường trên.

Tính đến 8 giờ ngày 15.11, Đà Nẵng có 6 ngôi nhà bị hư hại do mưa bão; 1 ghe nhỏ bị chìm; 3ha rau màu mới xuống giống bị hư hại; 300m2 nhà màng sản xuất rau bị tốc mái hoàn toàn; 414 trạm còn mất điện, hiện hơn 32,5 nghìn khách hàng bị mất điện.

Quảng Trị có 6 người bị thương, gần 100 nhà bị tốc mái

Theo thống kê đến chiều 15.11, tỉnh Quảng Trị có 6 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão số 13. Bão số 13 cũng đã làm 98 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, trong đó huyện Hải Lăng có 52 nhà, Triệu Phong 46 nhà. Cơn bão này cũng làm 17 trụ điện gãy đổ. Bãi biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh tiếp tục bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 5 - 10m, đồng thời làm hư hỏng 15 quán kinh doanh ven biển của người dân.

Cơ quan chức năng cảnh báo, các sông ở Quảng Trị xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa, Đakrông. Đặc biệt chú ý sạt lở đất khu vực các xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa…

Để ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Trị đã di dời gần 40.000 người đến các điểm an toàn để tránh bão và sạt lở đất. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã giúp người dân chằng chống và gia cố trên 3.000 ngôi nhà; tập trung ở các huyện ven biển.

Quảng Bình: Dọn cây gãy đổ, bồi đắp lại đê kè

Nhờ chủ động ứng phó kịp thời nên cơn bão số 13 gây thiệt hại không đáng kể tại Quảng Bình. Thông tin bước đầu từ huyện Lệ Thủy cho biết, một số hộ dân ở xã Ngư Thủy bị bay mái hiên, nhà bếp; một đoạn bờ biển tại đây bị sạt lở. Tại TP Đồng Hới, kè biển Nhật Lệ bị sạt lở từ trận bão, lũ trước nay tiếp tục lở sâu thêm, một số biển quảng cáo nhỏ bị gãy đổ. Ở phía biển, sóng lớn đánh vào các khu dân cư nhưng hiện chưa ghi nhận thiệt hại lớn nào… Toàn tỉnh đã di dời 14,2 nghìn hộ với 47,3 nghìn người đến nơi an toàn. Chính quyền bảo đảm lương thực, nước uống cho người dân tại nơi sơ tán tập trung trong khoảng hai ngày.

Sau khi bão tan, chiều 15.11, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động nhiều tổ công tác khẩn trương đến các địa phương bị thiệt hại như huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch cùng một số địa phương khác trên tuyến biên giới, tổ chức sửa chữa lại mái nhà, dọn dẹp cây cối gãy đổ, bồi đắp lại các đoạn đê kè bị bão 13 tàn phá, sớm trả lại cuộc sống ổn định cho nhân dân.

Tiểu Phong