Sớm khắc phục sạt lở bên đường Trường Sơn Đông

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:11 - Chia sẻ
Trên tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đe dọa nhà dân và trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão cuối năm.
Cụm dân cư ven đường Trường Sơn Đông bị đe dọa bởi ngọn đồi sạt lở
Cụm dân cư ven đường Trường Sơn Đông bị đe dọa bởi ngọn đồi sạt lở

Những ngày đầu tháng 10 này, các trận mưa trên cao nguyên dai dẳng do chịu ảnh hưởng từ các cơn bão. Trên tuyến đường Trường Sơn Đông nối thành phố Đà Lạt với xã vùng sâu Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, một đoạn đường nhựa đã bị bùn đất đỏ tràn xuống, che lấp hoàn toàn. Đây là vị trí thuộc thôn Lán Tranh, một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường huyền thoại này.

Theo quan sát, vị trí sạt lở thuộc đất vườn trồng cà phê của người dân, kéo dài khoảng 150m dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông. Vị trí sạt lở bắt đầu từ đỉnh đồi trồng cà phê, do thấm nước mưa, bùn đất đỏ sạt trượt chảy xuống phủ lấp nền đường, ngập cả bánh xe máy khi đi qua đây. Nguy hiểm hơn, bùn đất còn sạt lở đến sát vách sau của một số nhà dân bên đường, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

		Đất đá tràn vào nhà dân
Đất đá tràn vào nhà dân

Ông Thân Ngọc Kiên, 54 tuổi, thôn Lán Tranh, cho biết, gia đình ông phải xây kè đá, gia cố cột chống để ngăn chặn bùn đất sạt lở vào phía sân sau. Khu vườn cà phê của gia đình ông Kiên rộng 1,8ha, nhưng hiện nay bị sạt lở, sụt lún gần 1,5ha, không thể canh tác được. "Tình trạng này xảy ra nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng hơn, chúng tôi chỉ còn cách khắc phục tạm thời. Đêm nào trời mưa lớn thì hầu như không dám ngủ, thậm chí còn phải đi ở nhờ vì lo sợ bùn đất tràn vào nhà" - ông Kiên cho hay.

Tình trạng sạt lở đất đá từ triền đồi cũng đang đe dọa trực tiếp trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể xã Đưng K’Nớ. Cụ thể, tại trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ, một lượng lớn đất đá bị sạt trượt từ trên đỉnh đồi sát xuống khối nhà làm việc của cán bộ, nhân viên UBND xã và các đoàn thể. Điểm sạt lở này kéo dài khoảng 200m, độ cao trung bình từ mặt đất đến đỉnh đồi từ 3 - 5m. Đã nhiều lần lượng lớn đất đỏ bị sạt, chảy xuống nền đường Trường Sơn Đông, thậm chí sạt đến tận chân tường của trụ sở UBND xã, rất nguy hiểm.

Sạt lở xảy ra tại khu vực trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ nhiều năm nay
Sạt lở xảy ra tại khu vực trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ nhiều năm nay

Theo ông Bon Niêng Ha Dong, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, tình trạng đất đá sạt trượt trên xảy ra từ năm 2017, khi chính quyền địa phương xây dựng trụ sở tại đây để cán bộ, công chức làm việc. Qua mỗi mùa mưa, tình trạng sạt lở tiếp diễn phức tạp và chưa được xử lý triệt để.

Cách đó không xa, phía sau trụ sở Trạm Y tế và Công an xã Đưng K’Nớ cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất. Điểm sạt lở kéo dài trên 100m dọc theo mặt đường, đất đá từ đỉnh đồi tràn xuống sát các khối nhà làm việc, kéo theo nhiều tảng đá lớn và cả cây rừng đổ nghiêng ngả, chưa được dọn dẹp. Hầu như phía sau trụ sở các cơ quan này vẫn chưa có bờ kè, rào chắn hay biện pháp phòng ngừa sạt lở, sẽ rất nguy hiểm nếu tình trạng mưa lớn kéo dài nhiều ngày.

Nguyên nhân của hiện tượng sạt trượt đất dọc tuyến đường Trường Sơn Đông được lý giải là do kết cấu địa chất ở đây là đất đỏ pha cát, bên trong lại có những mạch nước ngầm chảy ra liên tục khiến nền đất ngày càng yếu, gây sạt trượt. Cứ đến mùa mưa là chính quyền địa phương huy động cán bộ, dân quân khơi thông, nạo vét phần bùn bị sạt lở xuống để bảo đảm an toàn cho trụ sở làm việc. 

Trước tình trạng sạt lở đang xảy ra ở xã Đưng K’Nớ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết, địa phương sẽ cử các cơ quan chuyên môn kiểm tra, qua đó sớm có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản. Theo ông Hoài, đối với các điểm sạt lở đe dọa nhà dân dọc hai bên đường Trường Sơn Đông, đơn vị quản lý tuyến đường là Cục Quản lý đường bộ 4 đã có kế hoạch khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng công nhân của Cục Quản lý đường bộ 4 từ Bình Thuận lên phải thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19, do đó chưa thể đến thi công.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng