Sớm dẹp bỏ quảng cáo “nhảm”

- Thứ Tư, 26/05/2021, 06:35 - Chia sẻ

Trước tình trạng quảng cáo tràn lan, quảng cáo sai sự thật diễn ra gần đây, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Có thể là hơi muộn nhưng "động thái" này của Cục Văn hóa cơ sở là cần thiết, bởi tình trạng quảng cáo “nhảm” đã và đang xuất hiện tràn lan, thiếu kiểm soát.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm diễn ra trên nhiều trang mạng xã hội. Không chỉ người bán hàng quảng cáo cho sản phẩm online có không ít người của công chúng, diễn viên, ca sĩ cũng đã tham gia vào quảng cáo sản phẩm online. Có những quảng cáo đã vượt quá công dụng của sản phẩm. Với những cụm từ rất đanh thép về công dụng của thuốc như “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc”… mà chưa được kiểm chứng về chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền… Những quảng cáo này được phát công khai trên các trang mạng, trên facebook cá nhân đã gây nên sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Không ít người đã trở thành nạn nhân của những sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên các trang mạng chỉ vì thiếu hiểu biết và cả tin vào những người quảng cáo sản phẩm.

Câu chuyện mà dư luận quan tâm mấy ngày qua đó là lời xin lỗi của MC Quyền Linh sau khi giới thiệu sản phẩm S trên trang cá nhân. Trong giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe S chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh. Tuy vậy, MC Quyền Linh cũng thừa nhận, anh đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Quyền Linh cho rằng, việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với bản thân sau hơn 20 năm làm nghệ thuật, đồng thời gửi lời xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình.

Đây chỉ là một trong những trường hợp sản phẩm được quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm thời gian qua. Và điều đáng nói, việc tham gia quảng cáo cho những sản phẩm chưa thực sự kiểm chứng hoặc vượt quá công dụng trong đó có sự tham gia của những người nổi tiếng rất dễ tạo được sự tin tưởng của công chúng, người hâm mộ, người sử dụng đối với sản phẩm. Đây là một điều rất nguy hại.

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo, hành vi quảng cáo không đúng sự thật là một trong những điều cấm. Điều 11, của Luật này cũng quy định, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Luật pháp hiện hành không thiếu các quy định về xử phạt các vi phạm quy định về quảng cáo. Do đó, để dẹp tình trạng quảng cáo “nhảm”, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi quảng cáo sai sự thật. Mọi hành vi vi phạm về quảng cáo cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo hơn đối với các chiêu trò quảng cáo. Bởi nếu không phân biệt được đâu là quảng cáo thật, đâu là quảng cáo “nhảm”, không ai khác, chính người tiêu dùng sẽ “tiền mất, tật mang”.

Hà An