Sớm có đề án về an ninh nguồn nước quốc gia

- Thứ Năm, 20/05/2021, 05:09 - Chia sẻ
Để bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN), theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) NGUYỄN HOÀNG HIỆP, cần phải nhận thức lại vấn đề ANNN một cách toàn diện; cùng với đó, sớm có một đề án tổng thể về ANNN nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ cùng với nguồn lực tài chính bảo đảm để triển khai thực hiện là hết sức cần thiết và cấp bách.

Nước ta có chỉ số an ninh nguồn nước thấp

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN HOÀNG HIỆP

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ANNN của Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, trong đó có 126 con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Toàn quốc có 108 lưu vực sông, với 72 % diện tích lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, nguồn nước ở Việt Nam một phần là nước ngầm còn phần lớn là dòng chảy bề mặt của sông ngòi. Tổng lượng nước mặt trung bình năm vào khoảng 840 tỷ m3, nhưng có đến 520 tỷ m3 (62% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ, trong khi nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ vào khoảng 320 tỷ m3 (chiếm 38% tổng lượng nước mặt).

Lượng nước lại phân bổ không đều theo không gian và thời gian; nguồn nước nội sinh chủ yếu được hình thành từ mưa, trung bình mỗi năm khoảng 2.000mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa chiếm khoảng 70 - 90%. Trong khi đó, lượng mưa tại các vùng cũng như các thời điểm đều khác nhau. Hiện tại năng lực cơ sở hạ tầng của chúng ta mới chỉ đáp ứng để khai thác, sử dụng được khoảng 81 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 10% lượng nước mặt) cho tất cả các nhu cầu về sử dụng nước. Riêng, tỷ trọng nhu cầu nước cho các ngành nông nghiệp chiếm khoảng 83-85%. Nhu cầu nước của tất cả các ngành kinh tế đang tăng nhanh trong khi 62% nguồn nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ đang là thách thức lớn.

Tiềm năng nước dưới đất khá, với tổng trữ lượng khoảng 190 triệu m3/ngày, tập trung ở khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại một số khu vực, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, suy giảm liên tục. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm do tác động của quá trình đô thị hóa, sự phát triển, gia tăng của dân số quá nhanh, phát triển kinh tế.

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam không phải là một quốc gia dồi dào về nước, mà còn hiện hữu và tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến ANNN. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 khu vực có chỉ số ANNN thấp.

- Với sự nỗ lực trong quản lý, ANNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, còn gặp phải nhiều thách thức lớn. Ông có thể chỉ rõ hơn?

- Thách thức rất lớn. Tôi cho rằng, thứ nhất, đến từ nhận thức. Nhận thức của hầu hết các đối tượng dùng nước đang cho rằng nguồn nước là sản phẩm của tự nhiên, dồi dào, vô hạn, dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí, ít quan tâm đến bảo vệ, đầu tư và phát triển nguồn nước.

Thứ hai, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, làm  thay đổi quy luật dòng chảy, giảm số lượng và chất lượng, gây nhiều hệ lụy như thiếu nguồn nước, giảm hàm lượng bùn cát, nguồn lợi thủy sản, môi trường...

Thứ ba, các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều này sẽ làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, trái quy luật thông thường như nắng nóng kéo dài, lượng mưa mùa khô giảm, lượng mưa ngày cực đoan tăng, cường độ và tần suất các cơn bão lớn, cùng với tác động của suy giảm thảm phủ rừng và hạ tầng không đủ khả năng thích ứng với những rủi ro thiên tai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANNN. Nổi lên trong những năm gần đây như xâm nhập mặn, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở và bồi lấp các cửa sông vùng ven biển miền Trung; lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở các vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ...

Thứ tư, gia tăng nhu cầu sử dụng nước và xung đột giữa các ngành. Hiện nay, tổng lượng nước hiện khai thác, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hàng năm khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm. Áp lực do gia tăng nhu cầu sử dụng nước làm nảy sinh các tranh chấp và xung đột trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, thể hiện ở nhiều cấp độ, hình thức và quy mô khác nhau, từ cấp quốc gia cho đến cấp lưu vực, cấp vùng, địa phương và trong nội tại các ngành sử dụng nước; xung đột trong quản lý, chia sẻ và sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, một số hệ thống thủy lợi liên tỉnh. Xung đột giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu bảo vệ nguồn nước,  như xung đột giữa phát triển công nghiệp, làng nghề và đô thị với bảo đảm chất lượng nước cho các ngành sử dụng nước khác...

Thứ năm, công tác quản lý. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất ở một số vùng chưa phù hợp với đặc điểm khí hậu, nguồn nước. Chuyển đổi sản xuất chưa phù hợp với nguồn nước, ứng dụng khoa học công nghệ đưa vào khai thác công trình cấp nước còn chưa kịp thời. Khai thác nước dưới đất còn bất cập, gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún. Chưa có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện, tổng hợp theo hệ thống, lưu vực sông, kết hợp quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, mà chủ yếu theo từng ngành, địa phương riêng rẽ. Việc thực thi kiểm soát, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước còn chưa đủ sức răn đe, tình trạng vi phạm có chiều hướng gia tăng.

Xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước hài hòa

- Trước những vấn đề ông đã đặt ra, cần phải có những giải pháp cụ thể như thế nào?

- Về thể chế quản lý nguồn nước, cần rà soát, hoàn thiện hệ thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức của ngành nước bảo đảm thống nhất trong quản lý, xóa bỏ các chồng chéo, xung đột pháp luật, tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, sản xuất và kinh doanh nước sạch; khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

Nâng cao chất lượng và thực hiện đúng quy hoạch. Cụ thể, xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành quốc gia như quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, tài nguyên nước, lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tổng thể trong đầu tư nguồn lực xây dựng mạng lưới liên kết nguồn nước, hệ thống quản lý, vận hành đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Chủ động cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh mương thủy lợi, công trình tích trữ nước phân tán hiện có, các công trình cấp nước sạch cho các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm đến khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư trong quản lý, vận hành hệ thống công trình ngành nước theo định hướng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đặc biệt, trong giám sát, quản lý nguồn nước, chất lượng nước.

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước bằng các nghiên cứu, áp dụng giải pháp thu, trữ, xử lý nước, lọc nước biển, tái sử dụng nước cho vùng ven biển, hải đảo, đặc biệt là các đảo lớn có đông dân cư gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, hiện đại, thông minh, tái sử dụng nước gắn với bố trí lại vùng sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng mở rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho diện tích rau, hoa, cây công nghiệp, dược liệu có giá trị kinh tế cao; phát triển công trình trữ nước phân tán, liên kết, chuyển nước bằng đường ống, sử dụng nước từ hồ thủy điện, phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng đất dốc, vùng cao nguyên, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyển đổi phương thức sản xuất, bố trí dân cư gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa bảo đảm thích ứng với điều kiện nguồn nước. Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn, mặn, sử dụng ít nước cho những vùng khan hiếm nước.

Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước: Hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; hệ thống giám sát vận hành theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; Rà soát, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ trong quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; trình độ và năng lực công nghệ của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi; Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung an toàn đập, hồ chứa nước.

- Thực tế cho thấy rằng, đặc điểm địa hình của Việt Nam khá đa dạng, phong phú, đồng nghĩa với việc áp dụng các giải pháp ANNN không thể đồng bộ giữa các khu vực. Theo ông, giải pháp cụ thể là gì?

- Đối với vùng miền núi phía Bắc, thường xảy ra các đợt khô hạn kéo dài và mưa tập trung với cường suất lớn dẫn đến lũ quét, lũ ống và sạt lở đất nguy hiểm. Do đó phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho các công trình tích, trữ nước và phòng tránh sạt lở đất. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình và giải pháp tích trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho các vùng sâu, vùng cao khan hiếm nước.

Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung thường chịu các đợt khô hạn kéo dài và mưa tập trung với cường suất lớn gây nên hạn hán và lũ lụt, chịu tác động của nước biển dâng, bão dẫn đến xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển. Cho nên, ngoài chú trọng đến xây dựng, quản lý khai thác hiệu quả các công trình điều tiết nguồn nước thì vấn đề môi trường, chất lượng nước trong mùa khô cũng cần được giải quyết do tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước.

Vùng Tây Nguyên với đặc điểm khả năng trữ nước trong lòng đất thấp hơn vùng núi phía Bắc và địa hình bị chia cắt nhiều bởi các đồi núi thấp. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu các giải pháp lưu trữ nước, điều tiết, cân đối nguồn nước giữa hai mùa mưa và khô; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm nước là hết sức quan trọng.

Vùng Nam Trung Bộ có lượng mưa thấp nhất nước ta, thường xuyên có các đợt khô hạn kéo dài, chịu tác động của nước biển dâng, bão dẫn đến vấn đề xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển. Vì thế phải tạo nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, nghiên cứu các giải pháp chuyển nước từ các lưu vực khác để hỗ trợ cho vùng này.

Vùng Nam Bộ khá bằng phẳng với địa chất yếu và thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn, nguồn nước bổ cập từ nước ngoài về khá lớn. Ở khu vực này phải kiểm soát được nước mặn, trữ ngọt và đảm bảo môi trường hệ sinh thái. Cần nghiên cứu các giải pháp chủ động kiểm soát nguồn nước; lưu trữ nước, chuyển nước cho các vùng khó khăn như vùng ven biển.

Giai đoạn 2021 - 2025 tới, ANNN phải được giải quyết cơ bản, đồng bộ với tái cơ cấu lại nền kinh tế và được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành, kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó kết cấu hạ tầng thủy lợi nhằm chủ động phòng tránh thiên tai, kiểm soát nguồn nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt. Cần có một Đề án tổng thể về ANNN nhằm đưa ra các định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ cùng với nguồn lực tài chính đảm bảo để triển khai thực hiện là hết sức cần thiết và cấp bách.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh thực hiện