Sổ tay:

Sớm ban hành thông tư hướng dẫn

- Thứ Tư, 24/02/2021, 07:02 - Chia sẻ
Thu thuế người bán sản phẩm trên các nền tảng số đang là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý. Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5.12.2020 có góp phần giải quyết vấn đề trên?

Theo quy định pháp luật thuế, các cá nhân, tổ chức bán hàng hóa, dịch vụ bất kể bán trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử đều sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế. Đối với các cá nhân, hộ gia đình bán hàng hóa trực tiếp cho khách hàng thì thường sẽ phải có cửa hàng, treo biển hiệu tại các địa điểm thuận tiện để thu hút khách hàng. Những trường hợp này, cán bộ thuế của khu vực thường sẽ đến tận nơi, yêu cầu và hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh kê khai và nộp thuế. Trong nhiều trường hợp, cơ sở kinh doanh có thể được áp dụng cơ chế thuế khoán thuận tiện.

Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng trên mạng thì các cá nhân, hộ kinh doanh không cần thiết phải mở cửa hàng tại các nơi thuận tiện, mà có thể chỉ cần một kho hàng (nhiều khi ở nơi khó thấy). Điều này khiến cho việc nắm bắt thông tin về các cơ sở kinh doanh của cán bộ thuế địa phương gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc xác định thuế khoán đối với các cơ sở bán hàng trên mạng xã hội cũng khó có thể sử dụng biện pháp như hiện nay.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5.12.2020, đã đưa ra biện pháp để quản lý thuế đối với trường hợp này. Theo đó, các ngân hàng sẽ là bên cung cấp thông tin cho cơ quan thuế về các tài khoản của cùng một cá nhân bán hàng và các giao dịch của tài khoản đó trong trường hợp thanh tra, kiểm tra. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế xác định được giao dịch của người bán hàng và có thể tiến hành xác định chính xác nghĩa vụ thuế. 

Ngoài ra, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã yêu cầu các bên cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải chủ động kê khai và nộp thuế cho doanh thu có được từ Việt Nam. Nếu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không làm việc này thì các ngân hàng, đơn vị thanh toán sẽ phải chủ động khấu trừ tiền thuế trên các giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp đó.

Trước đây, khách hàng sử dụng dịch vụ xuyên biên giới thường là các doanh nghiệp nên việc cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu là có thể thực hiện được. Tuy nhiên khi doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội đến từ các cá nhân, hộ gia đình mua bán quy mô nhỏ thì cách quản lý thuế này không còn phù hợp. Các cá nhân, hộ gia đình này thường áp dụng thuế khoán, không thực hiện quyết toán thuế cuối năm, nên sẽ không có cơ sở để yêu cầu họ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài.

Được biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ kê khai, thu thuế đối với các doanh nghiệp nền tảng và thực hiện tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Thời gian qua các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử tự kê khai, tự nộp thuế. Căn cứ theo dữ liệu đầu ra của các doanh nghiệp, ngành thuế đã thu nộp vào ngân sách số tiền hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2018, số thu thuế thương mại điện tử từ các doanh nghiệp kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ...). Số thu này chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

Nguyễn Minh