Diễn đàn: Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân

Dũng khí - tinh thần không thể thiếu trong mỗi đại biểu

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:03 - Chia sẻ

Lời Tòa soạn: Hơn nửa tháng nữa, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ. Báo Đại biểu Nhân dân mở diễn đàn “Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân” với mong muốn để các đại biểu Quốc hội chia sẻ, nhìn nhận lại một nhiệm kỳ hoạt động đầy sôi động, hiệu quả và cả những điều còn trăn trở, những kỳ vọng gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội Khóa XV...

Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên) đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ về chặng đường 5 năm là người đại diện cho cử tri và Nhân dân tại Quốc hội. Từ trải nghiệm thực tế của chính mình, bà cũng cho rằng, là đại biểu dân cử thì nhất định phải luôn bắt đầu từ người dân, vì người dân, ngay từ đầu phải tự “phân vai” và có quyền yêu cầu được “phân vai” rõ ràng trên nghị trường.

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Chỉ có thể là vì lời hứa trước cử tri lúc tranh cử

- Chỉ còn ít ngày nữa, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành kỳ họp cuối cùng. Một nhiệm kỳ đi qua để lại trong bà những cảm xúc như thế nào?

- Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tôi đã dành trọn vẹn một ngày để ngồi đọc lại những ghi chép của mình trong cuốn sổ tay cá nhân được xem như một cuốn nhật ký, nó chứa đựng cả một hành trình, những sự kiện, những bài học đáng nhớ của bản thân tôi trong vai trò một đại biểu dân cử. Ngồi lật lại từng trang và nghiền ngẫm, tôi thật sự xúc động khi nhớ lại chặng đường hoạt động đại biểu Quốc hội của mình. Hôm ấy là một ngày có nhiều cảm xúc đặc biệt.

Tâm thế, tình cảm và sự lựa chọn phương thức hoạt động của mỗi đại biểu đã làm nên dấu ấn đặc biệt của Quốc hội Khóa XIV. Đó là một "phiên bản" đời sống xã hội được thu nhỏ đầy sống động và màu sắc trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khi một đại biểu Quốc hội cất lên tiếng nói từ lương tri, đức tin sẽ đến, sẽ tích tụ thành sức mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Suy nghĩ về việc tự tổng kết hoạt động của bản thân sau 5 năm làm đại biểu Quốc hội xuất hiện trong tôi khi đang tiếp xúc cử tri lần cuối của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên sau Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Khi đó, tại một vài điểm tiếp xúc, tôi đã rất xúc động nói lời cảm ơn tới cử tri, nhận lỗi cá nhân vì bản thân nhận thấy đã chưa thật sự làm tròn trách nhiệm của một đại biểu dân cử, chưa thể đáp ứng một cách hoàn hảo những kỳ vọng của toàn thể cử tri, nhất là cử tri ngoài tỉnh. Thay vì tìm lý do khỏa lấp những hạn chế, xoa dịu cảm giác tiếc nuối “giá như từ đầu mình cố gắng làm tốt hơn” thì tôi vẫn luôn nghĩ: Tĩnh tâm nhìn lại chính là cách để tạo nên những động lực tích cực.

Có dịp ngồi tổng kết hành trình sau 5 năm, khi ngồi tập hợp, lưu giữ lại những phát biểu thảo luận, chất vấn, tranh luận của mình tại nghị trường Quốc hội, kể cả những bài viết, trả lời phỏng vấn trong hoạt động tương tác với báo chí, tôi vẫn không hiểu vì sao mình có thể phân chia thời gian ít ỏi để hoàn thành các nội dung công việc của một nữ đại biểu kiêm nhiệm. Chỉ có thể là vì lời hứa của tôi trước cử tri lúc tranh cử. Kết quả vẫn chưa thể làm hài lòng tất cả nhưng tôi vẫn luôn giữ quan điểm là phải luôn cố gắng hết sức mình.

Đôi khi tôi chỉ mong 1 ngày có 48 tiếng để mình có thể làm được nhiều việc hơn, phân chia thời gian khoa học và hợp lý hơn. Thời lượng hoạt động dành cho đại biểu kiêm nhiệm không thể so với đại biểu chuyên trách. Đó là cũng là hạn chế, thiếu sót mà tôi luôn cảm thấy day dứt trước những nhiệm vụ lớn lao mà cử tri đã giao. Cách để tôi có thể làm tốt nhất nhiệm vụ của mình là luôn cố gắng nỗ lực và luôn kiên định với việc lựa chọn vấn đề nóng khi phát biểu.

Với riêng tôi, khoảng thời gian được cử tri tin tưởng, giao làm đại diện cho tiếng nói của người dân chính là một phần hết sức quan trọng trong cuộc đời mình. Đó là chặng đường không ít thăng trầm với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Thời gian 5 năm là rất ngắn nhưng thật may mắn, trên hành trình ấy tôi đã kịp viết nên câu chuyện của cuộc đời mình.

- Như bà nói, một nữ đại biểu trẻ, kiêm nhiệm với nhiều “vai” phải gánh vác trong công việc chuyên môn, trong cuộc sống đời thường và trong hoạt động Quốc hội nhưng vẫn có thể thấy một “đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền” với dấu ấn riêng trên nghị trường. Điều gì làm nên dấu ấn đó?

- Nếu được tự họa bản thân mình giữa số đông để dễ nhận ra, tôi sẽ chọn ngôn từ và cách tiếp cận. Ở một nơi mà hầu hết mọi người đều có trình độ, kiến thức thì tôi tự nhận mình là đại biểu có ngôn từ và cách tiếp cận “của số ít”. Ngay từ đầu phương pháp lên tiếng mà tôi lựa chọn không có tính năng xoa dịu, nó không hẳn là sự gay gắt thái quá, nó là sự thật cần được nhìn trực diện từ góc nhìn của những người trẻ, mà sự thật thì thường mất lòng. Tôi đã nhận ra bản thân mình một cách rõ nét nhất, hiểu rõ và tin tưởng con đường mình đã đi, cảm thấu được ngôn từ mình lựa chọn.

Phía sau mỗi bài học được rút ra từ bản thân, điều tôi chú trọng nhất đó chính là thái độ đón nhận bài học ấy như thế nào. Là một đại biểu trong số thành phần đại biểu trẻ, việc chắt lọc tiếp thu những ý kiến đóng góp bằng tinh thần cầu thị là một điều cần thiết. Chính thái độ, tâm huyết và sự quyết tâm đã giúp tôi luôn kiên định cho đến chặng cuối hành trình làm đại biểu Quốc hội của Khóa XIV.

"Đại biểu phải cất lên tiếng nói từ lương tri"

- Từ trải nghiệm thực tế của mình trong 5 năm vừa qua, theo bà, một đại biểu Quốc hội phải có tố chất như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, thích ứng nhanh, nhập cuộc quyết liệt là tố chất cần phải có của một đại biểu dân cử. Dũng khí là một tinh thần không thể thiếu trong mỗi nghị sỹ bởi khi chúng tôi được cử tri tín nhiệm và trao cho quyền để lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ.

Với các đại biểu dân cử nhiệm kỳ tới, tôi chỉ muốn nhắn gửi rằng, chúng ta có quyền lạc quan trước những cơ hội và thách thức mới, nhưng không thể quên những trách nhiệm lớn lao, trách nhiệm của bộ máy điều hành, của từng bộ ngành, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, mỗi công dân và quan trọng nhất là cùng đồng lòng trong hành động. Suy cho cùng, sự lạc quan, hy vọng, luôn hướng tới những điều tươi sáng cùng những hành động đẹp là yếu tố quan trọng để xây dựng nên một con người tốt đẹp, một xã hội văn minh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Đại biểu Quốc hội ngoài trình độ và sự hiểu biết, nếu không đủ dũng khí để đương đầu, không có tư duy độc lập thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ được. Và nhất định, đại biểu dân cử phải là người có cảm xúc, lý tưởng, vững lý trí và giàu lòng trắc ẩn. Với cá nhân tôi, cảm xúc đó chính là hình hài của tình cảm, của sự yêu thương cũng như trách nhiệm mà tôi dành cho người dân, cho cử tri những vùng miền khó khăn, nơi mà tôi hay hướng đến trong các hoạt động xã hội từ thiện.

- Là một đại biểu kiêm nhiệm, như bà nói nhiều lúc luôn mong một ngày có 48 tiếng để làm tốt hơn nữa. Điều này cho thấy, đại biểu kiêm nhiệm nếu muốn làm tốt nhất vai trò đại diện cho cử tri và Nhân dân thì phải nỗ lực gấp nhiều lần, thưa bà?

- Điều mà tôi thường đọc - nghe nhiều nhất của dư luận xoay quanh vai trò của đại biểu Quốc hội sau mỗi kỳ họp, đó chính là cần tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, vì trong suy nghĩ của nhiều người đại biểu kiêm nhiệm chỉ làm nặng cơ cấu và sẽ giảm tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Đó là ý kiến và cũng là nguyện vọng rất chính đáng của cử tri.

Tuy vậy, thực lòng mà nói, là một đại biểu kiêm nhiệm đôi lúc tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi lẽ, 5 năm, trải qua những hoạt động tích cực của một đại biểu Quốc hội, được đón nhận những tình cảm, sự tin tưởng của cử tri dành cho mình, kể cả những hạn chế thiếu sót, sự va vấp và sóng gió, tôi nghiệm ra rằng, quan trọng nhất vẫn là do con người. Ở vị trí nào, vai trò nào, đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm thì trách nhiệm của họ phải cất lên tiếng nói từ lương tri: “làm được điều mình nói, nói được điều mình viết, viết được điều mình nghĩ”. Nếu không thì bất kỳ ai cũng đều dễ dàng thỏa hiệp. Vì vậy mà đại biểu ngay từ đầu phải tự “phân vai” và có quyền yêu cầu được “phân vai” rõ ràng nơi nghị trường để hạn chế những can thiệp không đáng có.

Đại biểu dân cử thì nhất định phải luôn bắt đầu từ người dân, bạn có thể phát biểu hài hòa trong giới hạn cho phép nhưng không được nhập nhằng. Tất nhiên, tôi cũng luôn tôn trọng những ý kiến khác biệt với mình bởi mỗi người có một quan điểm, một góc nhìn. Như vậy có thể hiểu rằng, quyền lực của Quốc hội không phải bắt đầu từ khái niệm đại biểu chuyên trách hay bán chuyên trách, mà tâm thế, tinh thần dân chủ mới chính là những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị quyền lực của Quốc hội.

Tôi chỉ mong trong tâm thế mà tôi dành cho cử tri, sự lên tiếng không ngại va chạm nhưng có tính xây dựng sẽ được lan tỏa, thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của đại biểu Quốc hội theo hướng tích cực hơn. Và tôi luôn mong rằng, muốn xã hội hướng đến sự phát triển thì cần công tâm, phân định rạch ròi khi đại biểu Quốc hội đang làm nhiệm vụ trước cử tri. Đặc biệt, không nên xem thường vai trò của nữ giới.

- Xin cảm ơn bà!

Lam Anh thực hiện